Loại tên lửa mới với mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” đã trở thành biểu tượng của nỗ lực gia tăng sức mạnh quân sự Trung Quốc có thể sẽ không buộc Hải quân Mỹ phải thay đổi cách thức hoạt động tại Thái Bình Dương, một chỉ huy cấp cao Hải quân Mỹ tuyên bố.

Theo các nhà phân tích quốc phòng, tên lửa Đông Phong 21D (DF 21D) có thể thay đổi cân bằng quyền lực tại châu Á - nơi những hạm đội tàu sân bay chiến đấu của Mỹ chiếm ưu thế trên biển kể từ khi chấm dứt Thế chiến II.

Tàu sân bay USS George Washington tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Phó đô đốc Scott van Buskirk, chỉ huy trưởng Hạm đội 7 của Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, Hải quân không coi đó là thứ vũ khí đáng sợ mà các tàu sân bay Mỹ không thể vượt qua được. “Nó không phải là gót chân Achilles của các tàu sân bay hay lực lượng Hải quân Mỹ”, Van Buskirk khẳng định trong cuộc phỏng vấn trên tàu USS George Washington, tàu sân bay duy nhất được triển khai thường trực ở tây Thái Bình Dương.

Các chuyên gia quốc phòng cho hay, DF 21D được tin là có khả năng đánh trúng một mục tiêu di động được phòng thủ mạnh mẽ - như kiểu USS George Washington - với độ chính xác cao. Vì mục tiêu quá phức tạp nên Liên Xô đã từng từ bỏ một dự án tương tự.

Tên lửa này có thể xâm nhập các vũ khí phòng thủ vì tốc độ của nó kể từ lúc phóng không cho cho phép các tàu sân bay hay những tàu lớn khác đủ thời gian để thực hiện biện pháp đối phó. Theo đó, nó có thể làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của Washington khi can thiệp vào bất cứ xung đột nào có khả năng xảy ra tại Đài Loan hay Triều Tiên, cũng như ảnh hưởng tới sự tiếp cận an toàn của tàu thuyền Mỹ tới các vùng biển quốc tế gần đường bờ biển dài 18.000 km của Trung Quốc.

Van Buskirk, người chỉ huy hạm đội chịu trách nhiệm cho phần lớn Thái Bình Dương và Ấn Độ Dwong, với 60-70 tàu và 40.000 thủy thủ cùng các đơn vị lính thủy đánh bộ, cho biết, các khả năng của tên lửa Trung Quốc vẫn chưa được minh chứng. Nhưng ông cũng thừa nhận, nó là mối quan tâm đặc biệt. "Bất kể khả năng mới nào cũng là điều chúng tôi cố gắng quan sát”, ông nói.

Sự phát triển tên lửa mới diễn ra khi Trung Quốc ngày càng với rộng cánh tay ra các đại dương và trở nên quả quyết hơn trong việc khẳng định chủ quyền với các khu vực xung quanh đường bờ biển.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc và Nhật Bản đã có những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao vì tranh chấp ở biển Hoa Đông  - khu vực các tàu Hải quân Mỹ tuần tra thường xuyên. Một đội gồm 10 chiếc tàu chiến của Trung Quốc, trong đó có các tàu ngầm và tàu khu trục hiện đại đã đi qua Eo biển Miyako tháng 4 năm trước.

Các chuyên gia coi đây là nỗ lực của Trung Quốc để “thử” Nhật Bản và Mỹ, đồng thời thể hiện công khai các khả năng trên biển của họ. Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ việc tàu sân bay Mỹ hoạt động ở bán đảo Triều Tiên, khi tuyên bố động thái gây ra rủi ro an ninh với nước họ.

Phó đô đốc Buskirk khẳng định, Hải quân Mỹ không có ý định thay đổi sứ mệnh vì những mối đe dọa mới và sẽ tiếp tục hoạt động trên các vùng biển quanh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và bất cứ nơi nào họ thấy cần thiết. "Chúng tôi sẽ không thay đổi các hoạt động. Nhưng chúng tôi sẽ giám sát cẩn trọng”, ông nói.

Sự phát triển công nghệ tên lửa chống hạm nhanh hơn mức dự đoán đã rung chuông báo động tại Washington. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn đang phát triển loại máy bay chiến đấu tàng hình có thể được sử dụng để hỗ trợ hải quân trong khả năng xảy ra xung đột và dự kiến sẽ triển khai tàu sân bay đầu tiên trong thập niên tới.

Trước chuyến thăm Bắc Kinh tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh, ông quan tâm tới tên lửa chống hạm kể từ khi nhậm chức. Hồi tháng 12, đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói với nhật báo Asahi Shimbun của Nhật rằng, ông tin tưởng là chương trình tên lửa đã đạt được “khả năng vận hành ban đầu”. Tên lửa này được coi là một phần chủ chốt của chiến lược ngăn chặn máy bay, tàu thuyền Mỹ tiếp cận ngoài khơi bờ biển của họ. Chiến lược này bao gồm phát triển các lớp hệ thống phòng không, tài sản hải quân như tàu ngầm, và các hệ thống tên lựa đạn đạo tiên tiến - tất cả cùng liên kết với một mạng lưới vệ tinh.

Ở khả năng cao nhất, DF 21D có thể được phóng từ mặt đất, đánh trúng mục tiêu, thậm chí là một tàu sân bay di động tối tân ở khoảng cách 1.500km.

Để xoa dịu những quan ngại an ninh khu vực, theo ông Buskirk, Trung Quốc cần làm rõ những mục tiêu của mình. "Đó là tính minh bạch”, ông khẳng định. "Ví dụ như Mỹ, chúng tôi rất rõ ràng về mục tiêu của mình khi thực hiện các hoạt động thường xuyên và bình thường tại những vùng biển quốc tế... Đó là những gì bạn có thể mong đợi từ những quốc gia khác có thể hoạt động trong khu vực này”.

  • Thụy Phương (Theo AP)