Đằng sau việc "trình diễn" con tàu sân bay đầu tiên là biểu tượng trỗi dậy của một siêu cường tiếp theo của thế giới? Câu trả lời - cũng giống như đất nước Trung Quốc - là khá phức tạp.
>> Những điều đe dọa Trung Quốc
>> Trung Quốc và 'giới hạn đạo đức tối thiểu'
>> Trung Quốc: Tham nhũng và cải cách chính trị
Sau gần hai thập niên gần như liên tục đạt mức tăng hai con số trong ngân sách quân sự, chứng kiến sự đầu tư mạnh tay vào khí tài từ tàu ngầm mới tới tên lửa hành trình hay đạn đạo hiện đại, Trung Quốc giờ đây chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ Mỹ.
Ảnh: AP |
Việc tăng cường các khả năng quân sự Trung Quốc - dù mới ở giai đoạn đầu - song hành với sự bùng nổ kinh tế. Gần 3,5 thập niên kể từ khi bắt đầu cải cách, Trung Quốc có nền kinh tế trị giá 7,5 nghìn tỉ USD năm ngoái - đứng thứ hai thế giới, và có nhiều dự đoán sẽ vượt Mỹ vào 2018.
Trung Quốc cũng là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất, nhà sản xuất lớn nhất, nhà tiêu dùng thứ hai về dầu thô của thế giới và là nhà nhập khẩu lớn các tài nguyên tự nhiên khác như khoáng sản, gỗ từ châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
Mặc dù là sự tự hào với nhiều người, nhưng sự kiện Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên vào phục vụ (con tàu mang tên Liêu Ninh) không được báo chí truyền thông nhà nước làm "rùm beng". Con tàu ấy được báo chí đưa tin là để tập trung vào "thử nghiệm và đào tạo". Nhưng cho dù báo chí cố "hạ thấp" vai trò con tàu sân bay nâng cấp từ tàu cũ thời Liên Xô - thì tàu Liêu Ninh vẫn phần nào cung cấp một cái nhìn về tương lai quân sự Trung Quốc.
Con tàu ấy xuất hiện để chỉ ra một tham vọng phát triển khả năng trình diễn sức mạnh lực lượng hải quân biển xa - một trong số nhiều cách mà quốc gia đông dân nhất thế giới muốn thiết lập quyền lực trong thế kỷ 21. Xuất khẩu bùng nổ của Trung Quốc cho phép họ có nguồn dự trữ ngoại hối lớn và Bắc Kinh trở thành chủ sở hữu lớn nhất khối nợ chính phủ Mỹ, khoảng 1,16 nghìn tỉ USD.
Các khoản tiền mà những ngân hàng Trung Quốc cho nhiều nước đang phát triển vay trong năm 2009 và 2010 tổng cộng đạt 110 tỉ USD, nhiều hơn cả các khoản cho vay từ Ngân hàng Thế giới. Nhưng, giữa những tuyên bố rằng, Trung Quốc có khả năng đạt vị trí siêu cường trong 20-30 năm tới, thì cuốn sách "When China Rules the World" (tạm dịch là Khi Trung Quốc thống trị thế giới) của tác giả người Anh Martin Jacques - bán được hơn 250.000 bản kể từ khi phát hành năm 2009 - vẫn có những sự thận trọng.
Mất lòng tin
Các nhà phân tích như John Ikenberry tại Đại học Princetown lập luận rằng, Trung Quốc phải đối mặt với trật tự thế giới với phương Tây làm trung tâm mà trật tự ấy dễ dàng tham gia nhưng rất khó đảo lộn.
"Nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới, nhưng còn rất nhiều thứ phổ biến đang nói về Trung Quốc thực tế lại là sai lầm”, Barry Sautman, một nhà phân tích Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong nói. "Họ vẫn tụt hậu so với một số nước phát triển, ví dụ như đầu tư ra nước ngoài”. Một số người tin rằng, các nỗ lực của Trung Quốc trong củng cố sức mạnh mềm phản ánh qua ảnh hưởng với bên ngoài bằng ảnh hưởng kinh tế và quân sự vẫn chưa mang lại kết quả như hy vọng.
Trong khi một số nhà quan sát như ông Jacques đề cập tới sự sụp đổ thực sự về sức mạnh mềm phương Tây giữa lúc trỗi dậy về kinh tế, văn hoá và chính trị Trung Quốc thì những người khác lại nhấn mạnh rằng, sự e ngại và mất lòng tin vào việc Trung Quốc trỗi dậy đang tăng mạnh.
Hình ảnh của Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Phương Tây tập trung vào vấn đề bất đồng chính kiến, các quốc gia châu Phi lo ngại Trung Quốc khai khẩn tài nguyên của họ, còn ngành xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc thì bị đổ lỗi cho việc hàng ngàn lao động thất nghiệp ở nước ngoài.
Tại Mỹ, Trung Quốc trở thành một tâm điểm trong cuộc tranh cử tổng thống gay cấn giữa Barack Obama và Mitt Romney. Những nước láng giềng như Nhật Bản và Philippines đối đầu căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ở cả hai nước này đều diễn ra những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.
Trung Quốc, mặc dù đã đầu tư mạnh vào các học viện Khổng Tử dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, mở rộng hoạt động nước ngoài của truyền thông nhà nước, các kênh truyền hình dạy tiếng, hỗ trợ học bổng cho lưu học sinh, nhưng mọi nỗ lực ấy “thực sự không đạt hiệu quả cao”, Lý Minh Cường, một nhà phân tích về Trung Quốc nói.
Theo ông, các cuộc khảo sát cho thấy, Trung Quốc ngày càng xuất hiện ở “danh sách các mặt tiêu cực” tại nhiều nước giai đoạn 2008 và 2010. "Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể thay thế Mỹ để trở thành nước quan trọng nhất thế giới trong lĩnh vực sức mạnh mềm văn hoá trong 10 hoặc 20 năm tới”, ông nhấn mạnh.
Sự quả quyết ngày càng lớn của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng, đặc biệt là Đông Nam Á xích lại gần Mỹ khi họ theo đuổi chiến lược rào giậu nhằm hạn chế sức mạnh của Bắc Kinh. Mục tiêu của họ, như Carl Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, là liên kết với Trung Quốc về chính trị và kinh tế trong khi “tăng cường xây dựng khả năng quốc phòng” và đảm bảo Mỹ vẫn liên quan chặt chẽ các vấn đề trong khu vực.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế và hiện đại hoá quân sự, thì rào cản trước khi Bắc Kinh có thể thách thức được Washington để trở thành cường quốc tại châu Á - Thái Bình Dương là rất lớn. "Ngay cả trong khoảng thời gian là một thập niên, thì dấu ấn Mỹ ở Thái Bình Dương là nhóm tàu sân bay chiến đấu 6 chiếc, thì Trung Quốc không có lấy 1”, ông Thayer nói.
Tâm điểm tập trung quân sự của Trung Quốc là Đài Loan. Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng tới hòn đảo này.
Khó khăn kinh tế, bất ổn xã hội
Ngoài quốc phòng, ưu tiên khác của Trung Quốc là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được những thập niên gần đây. Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển châu Á gần đây đã cắt giảm con số dự đoán về tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay ở mức 7,7% - khoảng cách xa so với tỉ lệ tăng trưởng hai con số mà họ đạt được những năm 2000.
Phần lớn trong gói kích cầu năm 2008 của Trung Quốc dành vào các tài sản cố định như cơ sở hạ tầng, và nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, nó có thể dẫn đến hệ quả là các khoản nợ xấu làm bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng.
Những nỗ lực để cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tiêu dùng nội địa, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu không đạt nhiều thành công.
Sự mất cân bằng về nhân khẩu học hiện diện, phần lớn liên quan tới chính sách một con áp dụng từ 1979. Trung Quốc đang mất cân bằng giới trầm trọng, với tỉ lệ gần như 118 bé nam/100 bé gái. Kể cả khi tỉ lệ này có giảm đi đôi chút vào năm 2020 thì người ta vẫn ước tính sẽ có khoảng 24 triệu đàn ông không thể tìm nổi vợ. Và thực tế ấy sẽ gây nguy hiểm cho ổn định xã hội.
Sự phổ biến ngày càng lớn của cộng đồng blog, dẫn tới việc tự do trao đổi ý tưởng, cũng như tự do thể hiện các quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Giới chức trách giống như đi trên dây khi vừa phải bảo vệ lợi ích toàn cầu của Trung Quốc vừa có nguy cơ bị xem là không đủ quyết đoán trên chính trường khu vực, nhất là liên quan tới tranh chấp hàng hải.
Kỳ vọng ngày càng tăng của giới trung lưu có thể dẫn tới một lực lượng thúc đẩy sự thay đổi, giới chức Trung Quốc ngày càng chịu áp lực lớn để giải quyết các vấn đề về môi trường, khi ô nhiễm không khí được cho là nguyên nhân gây tử vong của 400.000 người/năm.
"Đơn giản là cố gắng phô trương sức mạnh Trung Quốc, theo cách tư duy của họ, là rất tốn kém và đầy nguy cơ tiềm ẩn. Sẽ là rất lâu trước khi Trung Quốc trở thành một siêu cường”, ông Sautman khẳng định.
Thái An (theo The National)