- Hơn 20 câu chuyện gửi về từ hơn 20 thành phố trên thế giới đêm giao thừa khiến tôi xoay như chong chóng, đôi khi tưởng mình tẩu hỏa nhập ma...

LTS: Một trong những thế mạnh của báo điện tử là khả năng kết nối trực tiếp, không biên giới. VietNamNet đã tận dụng lợi thế đó để tạo kết nối với độc giả, trong đó có đông đảo cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở khắp thế giới.

Tết Việt Online từng là chuyên mục đặc biệt trong ý nghĩa kết nối đó của VietNamNet. Khi sự kết nối không biên giới trải rộng, chúng tôi tìm thấy những giá trị lớn, những trải nghiệm đầy sâu sắc. Vai trò của báo chí lúc đó không chỉ dừng ở sứ mệnh thông tin. Xin chia sẻ với độc giả câu chuyện của một cựu biên tập viên, phóng viên VietNamNet:

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng mà mỗi người đều muốn được chia sẻ cùng những người thân yêu nhất của mình, nhưng bốn năm làm ở VietNamNet, tôi đã đón ba cái giao thừa tại tòa soạn, với tờ báo mà mình rất gắn bó, yêu thương.

Đầu năm 2008, bằng kinh nghiệm làm nghề của mình, chúng tôi biết dịp Tết, mà đặc biệt là thời điểm giao thừa, số lượng người đọc báo online khá thấp, chủ yếu là người Việt ở nước ngoài muốn xem thông tin về không khí đón Tết ở quê nhà để tìm chút phong vị quê hương.

Vì thế, khi lên kế hoạch cho chương trình Tết, tôi và sếp Trưởng ban Giáo dục nảy ra ý tưởng tổ chức một chương trình Tết Online để du học sinh Việt Nam trên toàn thế giới cùng chia sẻ clip, hình ảnh và những câu chuyện vui buồn đón Tết xa nhà trên VietNamNet.

Tác giả - Vũ Lan Hương (phải) trong một buổi giao lưu trực tuyến của VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước Tết một tháng, tôi bắt đầu lùng sục khắp các trang web của du học sinh Việt Nam ở các nước, các thành phố trên toàn thế giới, rà soát lại toàn bộ bạn bè, người quen đang đi du học và bắt đầu lên danh sách các “đầu cầu” sẽ kết nối. Sau đó tôi gửi thư cho từng nhóm du học sinh để chia sẻ về kế hoạch tổ chức Tết Online và kêu gọi các bạn cùng tham gia. Các bạn đều rất nhiệt tình trả lời, thậm chí còn gọi điện thoại để hỏi cho kỹ hơn về chương trình.

Từ hôm đó, dù các bạn đi chợ Việt sắm Tết hay chuẩn bị làm hoa đào giấy, gói bánh chưng đều chụp ảnh, ghi chép lại để gửi cho tôi làm tư liệu.

Đêm giao thừa, chương trình chính thức bắt đầu từ 23h đêm 30 tới 1h sáng mùng 1 Tết Mậu Tý năm 2008. Từ 20h tôi đã chúc mừng năm mới cả nhà để đến tòa soạn chuẩn bị Tết Online. Bắt đầu kết nối với hơn 20 điểm cầu trên toàn thế giới qua… Yahoo! Messenger từ 21h, chưa bao giờ tôi mở nhiều cửa sổ chat trên máy tính đến thế, và cũng chưa bao giờ tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động, nhiều cung bậc cảm xúc cùng lúc đến thế.

Ở Hàn Quốc hay Nhật Bản thì các bạn đón giao thừa sớm hơn Việt Nam 2 tiếng nên lúc đó vẫn đang tiệc tùng rất vui vẻ và gửi rất nhiều ảnh, clip nóng hổi về. Nhưng có bạn học sinh lớp 12 ở Mỹ thì vẫn đang trong giờ học vẫn tranh thủ gõ vội vài dòng chia sẻ cảm xúc và gửi lời chào bố mẹ thông qua chương trình khiến tôi rất cảm động.

Các bạn ở ĐH Leeds, Vương quốc Anh còn làm mấy câu đối rất hay để treo tại Ngày Việt Nam (Vietnam Day) ở trường vào dịp Tết:

“Tết đã đến hiên nhà, Mẹ ngóng con trở lại quê Cha, Mong ngày bái tổ

Xuân chưa về xứ lạ, Con mở hội hướng về đất Mẹ, Đợi phút vinh quy”

Hơn 20 câu chuyện gửi về từ hơn 20 thành phố khác nhau khiến tôi cứ xoay như chong chóng, và đôi khi tưởng mình tẩu hỏa nhập ma. Nhưng tôi dường như quên mất mình đang ngồi trong căn phòng thênh thang với hàng trăm máy tính im lìm, tôi như được du lịch vòng quanh thế giới, được ghé vào mỗi căn nhà, từng bữa tiệc tất niên của người Việt khắp năm châu.

Tôi thấy hạnh phúc vì đã giúp kết nối hàng trăm bạn trẻ khắp thế giới, để các bạn được gần với quê hương, với gia đình hơn trong thời khắc thiêng liêng ấy. Tôi hạnh phúc khi nghĩ tới cha mẹ và những người thân của họ trong giờ phút giao thừa thiêng liêng được nghe thấy giọng nói, nhìn thấy hình ảnh con mình trên VietNamNet.

Nhiều người trong số các du học sinh thức cùng tôi đêm giao thừa hôm đó, sau này đã trở thành những người bạn rất tốt và giúp đỡ tôi rất nhiều khi tôi đi du học và du lịch khắp nơi.

Hai năm sau, Tết Canh Dần 2010, tôi đã đi du học và được đón giao thừa với hơn 50 người Việt ở Chicago, Hoa Kỳ. Khi ấy tôi càng cảm thấy chương trình Tết Online mà mình thực hiện năm xưa càng thêm ý nghĩa.

Hy vọng rằng, bước sang tuổi 15, VietNamNet sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của một tờ báo điện tử để tiếp tục tổ chức các chương trình trực tuyến thiết thực, ý nghĩa và hấp dẫn đến như vậy.

Và trong xu thế phát triển chung của báo chí toàn cầu, truyền thông tích hợp, truyền thông đa phương tiện và truyền thông tương tác cũng chính là “con đường sáng” cho báo chí cạnh tranh với các loại hình phi truyền thống khác để chiếm lĩnh thị trường và công chúng.

Vũ Lan Hương