- Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế QH, nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ.


Tác động đến niềm tin

Ngay sau báo cáo kinh tế - xã hội của Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế QH đã trình bày báo cáo thẩm tra, đưa ra nhiều khuyến nghị.

Theo đánh giá, hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng hóa tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia. Bên cạnh đó, thu ngân sách 9 tháng chỉ đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Minh Thăng

Thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn. Nhiều ý kiến trong ủy ban cũng nhận định, việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, thể hiện qua chỉ số CPI tăng thấp tháng 3 (0,16%), tháng 4 (0,05%) và tháng 5 (0,18%), giảm trong tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm mạnh liên tục và xuất siêu trong 9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh.

Cũng theo đánh giá của Ủy ban, việc kiểm soát lạm phát tuy đạt mục tiêu nhưng kinh tế vĩ mô chưa định hình các yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn.

Sự phối hợp trong quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa hợp lý tại một số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng đột biến do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, phí dịch vụ, y tế, giáo dục. Diễn biến giá cả mặc dù chỉ xảy ra trong tháng 9 nhưng đòi hỏi cần chỉ đạo ngăn ngừa lạm phát cao có thể quay trở lại cuối năm và trong năm 2013.

2013: Khó khăn còn kéo dài

Ủy ban Kinh tế đánh giá, xu hướng khó khăn sẽ còn kéo dài trong năm 2013. Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 tạo dựng được nền tảng ổn định vĩ mô vững chắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế.

Ảnh: Lê Anh Dũng

2013 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, cần bắt đầu từ thay đổi tư duy làm quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực; công khai, minh bạch thông tin điều hành, tính chính xác số liệu để làm căn cứ tin cậy cho việc ra quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp.

Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ mặt bằng lãi suất hợp lý theo diễn biến kiểm soát lạm phát; khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên các chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ nên tăng cường giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, nhất là vấn đề lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục các giải pháp giảm nợ xấu, cho phép cơ cấu lại nợ các khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành các công trình nhưng vốn ngân sách chưa thanh toán.

Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hơn nữa cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Rà soát việc phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế, quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh tế giữa Trung ương và địa phương.

Việc phân cấp phải gắn trách nhiệm với quyền hạn, nghĩa vụ với lợi ích và phù hợp với năng lực, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Trung ương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của chính quyền địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia giám sát.

Quốc hội sẽ dành buổi sáng 24/10 để thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội.

Phiên thảo luận tại hội trường sẽ được truyền hình trực tiếp ngày 30/10.

Lê Nhung