- Bên hành lang Quốc hội chiều 22/10, các ĐBQH chia sẻ quan điểm về chuyện tăng lương: cần cắt các khoản chi không hợp lý, loại khỏi bộ máy những người làm việc kém hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:
Đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội

Hiện Chính phủ chưa bố trí được nguồn. Nếu tăng theo lộ trình sẽ phải cắt đi rất nhiều khoản, ảnh hưởng đến các việc khác.

Tuy nhiên, không phải Chính phủ không tăng lương mà là giãn ra. Khi nào có điều kiện, kinh tế phục hồi sẽ tăng. Khi nào đủ điều kiện thì sẽ báo cáo với Quốc hội để cho triển khai ngay.

Theo tính toán thì mọi năm vẫn có nguồn vượt thu và có thể sử dụng cho việc tăng lương. Nhưng năm nay dự báo có khả năng không đạt chỉ tiêu thu ngân sách.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):
Nên chia hai đợt


Nếu cân đối được nguồn thì cần bảo đảm việc tăng lương, vì tăng lương không chỉ mang lại tác dụng cho đời sống cán bộ, công chức mà còn một bộ phận lớn người nghỉ hưu, đối tượng chính sách, hiện đời sống rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Khá: Phải tăng ít nhất một nửa so với mức đã dự kiến
Nếu nguồn khó khăn, không tăng được toàn bộ như lộ trình đã đề ra thì phải tăng ít nhất một nửa so với mức đã dự kiến để vừa bảo đảm đời sống của người hưởng lương, vừa phù hợp với ngân sách nhà nước.

Chính phủ có thể chia tăng lương thành 2 đợt. Một đợt tăng vào đúng thời điểm 1/5, một đợt vào cuối năm để bảo đảm gánh nặng chịu đựng của ngân sách nhà nước. Cũng không nên sợ tăng lương sẽ kéo thêm tăng giá.

Nguồn tăng lương có thể tạo được từ khai thác nguồn thu, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên.

Có thể không tăng ngân sách cho một số khoản khác, nhưng lương thì phải bảo đảm tăng đúng lộ trình.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):
Cắt giảm chi

Chúng ta phải có nguồn thu để bảo đảm lộ trình cải cách tiền lương. Để có nguồn tăng lương, Chính phủ phải tăng thu nội địa; phải giảm những khoản chi không hợp lý, nhất là các khoản chi liên quan đến lễ hội, kỷ niệm, những khoản chi công mà hiện nay Chính phủ cũng thừa nhận là có sự lãng phí.

Có ý kiến sợ nếu cứ đưa chuyện tăng lương ra sẽ ảnh hưởng đến giá cả, làm tăng giá hơn tăng lương. Nhưng theo tôi, mấy năm gần đây, việc tăng lương đã không còn gây sốc đến nền kinh tế. Chúng ta cũng không tăng lương vào đầu năm nên lương không còn là yếu tố nóng làm tăng giá; yếu tố tâm lý tăng giá do tăng lương cũng đã nhẹ hơn trước rất nhiều.

Lộ trình tăng lương vào tháng 5 sắp tới chỉ áp dụng đối với những người hưởng lương ngân sách, còn doanh nghiệp hạch toán riêng, vì vậy, nên bảo đảm tiến độ tăng lương theo kế hoạch.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch:
Loại khỏi bộ máy những người kém hiệu quả


Tăng lương phải gắn liền nâng hiệu quả của bộ máy, tinh gọn những gì không cần thiết.

Năm 2003 nên duy trì lộ trình tăng lương - ông Trần Du Lịch (TP.HCM) nói 

Tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, khi sáp nhập các bộ, xem bộ máy tăng hay giảm, cả địa phương lẫn trung ương. Các biện pháp phải đi kèm với nhau để bộ máy hoạt động hiệu quả, đồng lương nhận phải tương xứng. Không có chuyện tăng lương để duy trì một bộ phận trong bộ máy làm việc kém hiệu quả nhưng cứ ngồi đó mà nhận lương.

Nhiều lần bàn chuyện tinh giản mà bộ máy ngày càng phình ra từ trên xuống dưới. Đã như vậy thì việc tăng lương chỉ có tác dụng tiêu cực chứ chưa chắc đã tích cực.

Còn về lộ trình tăng lương, tôi cho rằng năm 2013 vẫn nên duy trì, nhưng phải cắt giảm chi thường xuyên. Chỉ giữ lương và trợ cấp xã hội, các khoản khác phải cắt ít nhất 10% so với thực chi 2012 vì tôi thấy còn nhiều khoản chi vô tội vạ.

Cắt như vậy vẫn bảo đảm có nguồn để tăng lương được.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai:
Chi hợp lý

Bộ LĐ-TB-XH đã nói là sẽ tăng lương cho khu vực doanh nghiệp theo đúng kế hoạch. Còn với khu vực nhà nước, Chính phủ sẽ phải tính lại rồi mới báo cáo Quốc hội. Theo tôi thì nên cân đối để tăng lương vào thời điểm thích hợp chứ không nên nói là không tăng lương. Vì nếu để tăng theo lộ trình thì cần tới 60 ngàn tỷ đồng. Nhìn vào cũng thấy đây là bài toán khó.

Vì nhìn vào những yếu tố khách quan của nền kinh tế là điều kiện thu ngân sách có nhiều khó khăn. Tuy vậy, về mặt chủ quan thì cũng cần cân nhắc, tính toán lại các khoản chi cho hợp lý.

Ngọc Lê (ghi) - Ảnh: Lê Anh Dũng