- Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 23/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay Chính phủ đang tập trung xử lý nợ xấu, giải quyết thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của ngân hàng.

Đề cập quanh những vấn đề nội tại của nền kinh tế, ông cho hay: mức tăng trưởng kinh tế gần đây đã cải thiện hơn. Các chỉ tiêu về công nghiệp đã khá hơn. Năm nay khó khăn nhưng nông nghiệp lại tăng trưởng khá, xuất khẩu cũng ổn định.

"Hai yếu tố đó rất quan trọng. Nếu chỉ nhìn vào đầu tư và tăng trưởng tín dụng sẽ bi quan. Rất nhiều người thắc mắc tại sao đầu tư thấp mà tín dụng lại tăng. Đó là một câu hỏi phải đặt ra và phân tích".

Ông cho biết, với cơ cấu của tín dụng, Việt Nam vẫn ưu tiên xuất khẩu và nông nghiệp. Nông nghiệp nhiều năm nay phát triển tương đối ổn định. Xuất khẩu khó trong cái khó chung của thế giới. Tiêu thụ hàng hóa nhìn chung của thế giới đều thấp.

"Xuất khẩu năm nay đặt ra 10% nhưng tăng trưởng có khả năng trên 16%" - ông nói.

Thưa Phó Thủ tướng, bên cạnh những điểm sáng thì các chuyên gia lo ngại về tồn kho và nợ xấu. Chính phủ sẽ có giải pháp tháo gỡ như thế nào?

Tồn kho có nhiều mặt hàng. Có mặt hàng phục vụ sản xuất thì phải tháo gỡ cho sản xuất.

Về nợ xấu, Chính phủ đang tập trung để xử lý, giải quyết thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của ngân hàng. Nếu giải quyết được vấn đề này một cách tương đối thì mới xử lý được các vấn đề khác. Nhưng cơ cấu tín dụng cho xuất khẩu và nông nghiệp vẫn tăng khá.

Hiện tín dụng cho bất động sản đang khó khăn nhất. Nếu mình gỡ được thì sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho. Nói chung bài toán khá phức tạp, cho nên phải phân tích để có lựa chọn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chính phủ dự kiến gỡ tín dụng bất động sản như thế nào?

Bây giờ phải phân tích cụ thể từng khoản chứ không thể nói chung được. Từng khoản nợ xấu, có những khoản đang từ tốt chuyển thành xấu thì phải xem xu hướng phát triển của nó để gỡ.

Khó khăn về bất động sản như Chủ tịch Quốc hội nói là không có con số thống kê chính xác. Có thật như vậy không, thưa ông?

Không thể nói là không có được. Mà bây giờ đang phân loại ra để xử lý. Ngân hàng đang làm đề án. Có thể nói tại thời điểm chưa đưa ra con số cụ thể.

Anh Thư (ghi)