Bộ Công thương vẫn đòi thu phí điều tiết điện lực
Đưa an toàn thủy điện vào luật
Về chính sách phát triển điện lực, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới chính sách
ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Theo ĐB Nguyễn Công Bình (Yên
Bái), cần bổ sung thêm đối tượng nữa, đó là những khu di dân tái định cư do Nhà
nước thu hồi để xây dựng các công trình điện, những đối tượng này cũng hết sức
khó khăn và cần được ưu tiên để người dân ổn định cuộc sống.
ĐB Hà Sỹ Đồng: Phí nhiều sẽ
đẩy giá điện lên cao
ĐB Huỳnh Văn Tính, tỉnh Tiền Giang cho rằng đầu tư vào phát triển điện lực tại
vùng sâu, vùng xa, hải đảo thường không có hiệu quả kinh tế, ngay cả khi có hỗ
trợ nên tư nhân không làm và tiến độ chậm, không đáp ứng được yêu cầu, vì vậy đề
nghị quy định để các đơn vị quốc doanh thực hiện bằng 100% vốn ngân sách.
Về an toàn hồ chứa của các nhà máy thủy điện, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) lấy nhà
máy thủy điện Sông Tranh 2 làm ví dụ. Ông cho biết, đập thủy điện Sông Tranh 2
đến nay rất phức tạp có nguyên nhân là luật không quy định sự an toàn.
Ông Lai phân tích: "Chúng tôi đã đề nghị phải đưa quy định về sự an toàn của các đập thủy điện vào dự thảo luật Điện lực lần này, nhưng đến nay vẫn không đưa vào. Thường vụ Quốc hội cho rằng, luật Tài nguyên nước đã quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa. Nhưng luật này chỉ đề cập đến an toàn công trình trong quản lý và vận hành. Còn yếu tố an toàn của các đập thủy điện phải bắt đầu từ khâu thiết kế, thi công... Đây là câu chuyện lớn gắn với sinh mạng của nhiều người, trong khi luật Tài nguyên nước đề cập đến nước tự nhiên chứ không phải là nước đã bị chặn dòng. Vấn đề này hết sức quan trọng không chỉ riêng thủy điện Sông Tranh mà chung cho tất cả thủy điện trên cả nước".
7 năm 2 lần quy hoạch điện
Về quy hoạch điện, các đại biểu đồng ý chỉ lập quy hoạch điện ở cấp quốc gia và
cấp tỉnh, không lập quy hoạch cấp huyện. Chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện
lực 10 năm và có định hướng 10 năm tiếp theo là phù hợp với thực tiễn, đồng bộ
với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể
phát triển của các địa phương. Hiện chu kỳ 5 năm được cho là quá ngắn và có tầm
nhìn ngắn.
ĐB Phạm Văn Cường cho hay 7 năm qua ông đã chứng kiến ở Lào Cai 2 lần lập quy hoạch điện. "Quy hoạch vừa lập đang thực hiện thì đã phải làm mới, nhiều cái phải điều chỉnh lại, rất tốn kém. Theo tính toán mỗi lần lập quy hoạch các địa phương phải chi ít nhất 1 tỷ đồng".
ĐB Lê Thị Nguyệt, tỉnh Vĩnh Phúc
lưu ý cần có chế tài trong quy hoạch. Chẳng hạn cơ quan cung cấp thông tin để
xây dựng quy hoạch mà cung cấp thông tin sai thì phải chịu trách nhiệm, hay thực
hiện sai quy hoạch, chậm tiến độ thì những đơn vị thực hiện phải chịu trách
nhiệm.
ĐB Nguyễn Thanh Hải:
Khi lập quy hoạch, cần dự kiến quỹ đất cho
công trình điện lực
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) bổ
sung khi lập quy hoạch cần dự kiến quỹ đất cho công trình điện lực và quy định
rõ trách nhiệm các bên liên quan trong giải phóng mặt bằng cho các dự án điện vì
khâu này hay vướng mắc và thường làm chậm tiến độ.
Về giá bán điện, các đại biểu nhất trí với quy định giá bán điện thực hiện theo
cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên các ý kiến cũng đề
nghị xác định rõ cơ chế thị trường và vai trò, mức độ can thiệp của Nhà nước
trong chính sách giá bán điện. Các đại biểu cho rằng khung giá, cơ cấu biểu giá
phải do Nhà nước quy định, dựa trên đó, các đơn vị xây dựng giá bán lẻ.
Trần Thủy - Ảnh: Minh Thăng