Nguyên ủy viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQVN Phạm Thế Duyệt trao đổi về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội mà nhân dân đang hết sức quan tâm. 

Thưa ông, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2012?

Ông Phạm Thế Duyệt: Đó đều là những vấn đề lớn. Trong phiên khai mạc Quốc hội hôm qua, Chính phủ đã báo cáo đầy đủ, rõ nét về tình kinh tế-xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013.

Tôi có suy nghĩ ở đời nói thì dễ nhưng làm không đơn giản đâu. Do đó, bao giờ cũng phải đặt mình vào người trong cuộc để xem xét, đánh giá. Chính phủ đã nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm. Tuy nhiên những cố gắng và quyết tâm của Chính phủ, của các cấp, các ngành trong thời gian qua là không thể phủ nhận; cũng như ý thức, mong muốn của nhân dân rất rõ ràng, quyết liệt.


Ông Phạm Thế Duyệt: Việc bỏ phiếu tín nhiệm tới đây rất cần làm

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn và trong điều kiện đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Chính phủ đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Những điểm đạt được đã thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ bởi trong tình hình khó khăn như thế mà vẫn giữ được ổn định kinh tế xã hội và chăm lo được đời sống nhân dân. Điều đó cho thấy, trong lúc khó khăn, không phải dễ dàng mà đạt được những kết quả như vậy.

Trong khó khăn càng cần sáng suốt, đồng tâm, nhất trí

Ông Phạm Thế Duyệt cho biết: Trong 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, trong đó có vấn đề tăng trưởng. Tôi không quan niệm lúc nào cũng phải đạt hay vượt mà tôi mong muốn tăng trưởng số lượng (chỉ tiêu GDP) và chất lượng của tăng trưởng phải gắn kết hài hòa. Nếu tăng trưởng mà chạy theo con số thì chưa hẳn đã tốt. Hay tăng trưởng đem lại nhờ yếu tố khách quan chứ không phải từ thực lực cũng không tốt.

Bây giờ chúng ta đã và đang hội nhập sâu, rộng rồi, nên khi tình hình thế giới khó khăn, tình hình trong nước không tách khỏi khó khăn chung đó, chúng ta không thể tránh khỏi những lúng túng, vấp váp. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ đạt được trong thời gian qua đã làm nhân dân yên tâm. Mặc dù giá cả lúc này, lúc khác có tăng, xuất khẩu bị trì trệ nhưng khi ta đã tìm ra hướng giải quyết, từng bước tháo gỡ, thực hiện, ta sẽ thành công.

Trước mọi vấn đề, chúng ta phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, làm thế nào trong tình hình khó khăn tạo được sự đồng tâm nhất trí mới là quan trọng. Các cấp, các ngành cần có ý thức nghiêm túc trong thực hiện chỉ đạo, không nên chạy theo chủ nghĩa hình thức, phong trào hoặc thành tích nhất thời mà phải vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Chính phủ cần sớm khắc phục khuyết điểm có hiệu quả

Thực hiện kiểm điểm, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và ngay tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 22/10, Chính phủ đã nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm, rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc. Ông đánh giá về tinh thần này như thế nào?

Tôi cũng như nhiều đồng chí từng kinh qua lãnh đạo và nhân dân rất hoan nghênh tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ trong tự phê bình và phê bình tại Hội nghị Trung ương 6, cũng như của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tôi nghe đồng chí Thủ tướng trình bày bản báo cáo 2012 và nhiệm vụ năm 2013 cũng rất thẳng thắn, tự phê bình và phê bình về những vấn đề quản lý, điều hành còn để có những vấp váp, khiếm khuyết. Tôi thấy rất sâu sắc.

Riêng tôi rất cảm thông và mong muốn Chính phủ tới đây, từ những kinh nghiệm thành công và những vấp váp đã trải qua sẽ có quyết tâm cao, tạo sự đồng bộ trong tập thể Chính phủ. Các bộ, ngành, đều có ý thức toàn tâm, toàn ý để thực hiện những nhiệm vụ kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước đề ra.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn Chính phủ cần thể hiện quyết tâm cao và hành động thiết thực, hiệu quả trong việc khắc phục những khuyết điểm, những việc làm chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là những vấn đề như tham nhũng, các vụ việc liên quan đến tình hình tài chính, ngân hàng.

Chỉ người dân mới bày tỏ ý kiến trúng vấn đề


Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, là kỳ họp rất quan trọng với nhiều vấn đề nhân dân rất quan tâm được đặt lên bàn nghị sự, trong đó Nghị quyết về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ được xem xét, thông qua. Xin ông chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Khi làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tôi luôn mong muốn làm thế nào phải thực hiện được phản biện xã hội, thực hiện nghiêm túc sự giám sát của cơ quan, đoàn thể mặt trận và đoàn thể nhân dân. Phải làm thật tốt để góp phần hỗ trợ cho những công việc cho Chính phủ.

Bởi nếu làm chiếu lệ theo kiểu “hành chính” thì không đủ thông tin. Chỉ người dân mới thực sự hiểu biết, bày tỏ chính kiến mới trúng vấn đề được. Nếu chỉ nghe báo cáo của cấp dưới với cấp trên chắc chắn sẽ có hạn chế. Vì vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm tới đây rất cần làm. Đây là việc giúp Đảng, Nhà nước trước hết xem xét sự tín nhiệm của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ như thế nào.

Do đó, cần phải cố gắng triển khai từ trên xuống, trong đó công tác chỉ đạo, cách thức, phương pháp tiến hành phải khoa học, dân chủ, công khai, công bằng. Vấn đề gì cần nói cho toàn dân biết thì cần phải công khai cho dân biết kịp thời. Nhất là hiện nay, mạng internet rất phát triển, chỉ cần nhấp chuột là biết được mọi thông tin. Vì vậy nếu không được cung cấp kịp thời thông tin chính thống và không bình tĩnh, tỉnh táo trước những thông tin không đúng, người dân sẽ hoang mang và hiểu sai.

Theo tôi, cần trực tiếp đánh giá cán bộ đủ đức, đủ tài có tín nhiệm với dân, có khả năng điều hành đã hoàn thành nhiệm vụ. Việc này cần được làm thường xuyên, thực chất. Bỏ phiếu phải dân chủ, tín nhiệm về đức, về tài cũng như khả năng điều hành, và tín nhiệm với dân… Qua đó sẽ giúp đỡ, giáo dục, rèn luyện cán bộ, kể cả những người đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo.

Ở đây còn có sự giám sát, xem xét của những cơ quan quyền lực bầu cử. Công tác này cần phải làm nghiêm túc, chặt chẽ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp một cách rõ ràng. Làm đến đâu phải chắc đến đấy, có kết quả, chính xác, tuyệt đối không đánh giá sai. Vì nếu người tốt bị đánh giá thành xấu, người xấu vẫn được sử dụng thì việc lấy phiếu tín nhiệm không có kết quả. Việc lấy phiếu tín nhiệm phải là việc làm thiết thực giúp cho đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, qua đó sẽ làm gương cho gia đình, vợ con, nhân dân.

Nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm là rất nặng nề, để đạt được mục tiêu đã đề ra, xin ông cho biết, Chính phủ cần tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?

Ông Phạm Thế Duyệt: Điều tôi quan tâm là vấn đề tăng trưởng bền vững và những vấn đề cụ thể đang vướng mắc ở cấp vĩ mô như làm thế nào để các doanh nghiệp có điều kiện vay vốn, tiếp cận được vốn; đầu vào, đầu ra của sản xuất sẽ được giải quyết, tháo gỡ khó khăn như thế nào. Muốn như vậy phải chấn chỉnh hiệu quả hoạt động của ngân hàng, phải có cách thức  tốt để tháo gỡ nợ xấu, nợ đọng.

Về sản xuất, lưu thông phải coi thị trường trong nước với gần 90 triệu dân là rất quan trọng.

Tôi cũng quan tâm nhiều đến đời sống, việc làm của nhân dân, nhất là của đồng bào dân tộc, thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cần phải tập trung xử lý ngay từ bây giờ để đến khi bước vào đầu xuân 2013 mọi việc đã thể hiện sự chuyển biến rất rõ.

Tôi mong muốn người dân đồng thuận, tin tưởng vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ