Thảo luận dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự chiều nay (16/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mong công dân được đảm bảo tối đa quyền lợi trong các vụ án dân sự.

Có sợ kháng nghị không điểm dừng?

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung cho phép hủy một phần hoặc toàn bộ bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại, cũng như yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) trong trường hợp không đủ chứng cứ, phát hiện oan sai hoặc phát sinh tình tiết mới.

Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Thu Ba gọi đây là “cơ chế đặc biệt của đặc biệt” giúp khắc phục tình trạng nhiều phán quyết của cấp xét xử cao nhất chưa thỏa đáng nhưng không có cơ chế giải quyết lại khiến công dân bức xúc, khiếu nại gay gắt kéo dài.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính lại lo ngại cơ chế này sẽ “làm cho tình hình tố tụng dân sự không có điểm dừng”. Ông Chính cho rằng nếu phát hiện án sai có thể sửa bằng cách bồi thường thiệt hại, không nên mở rộng trình tự xét xử, vi phạm trình tự xét xử hai cấp hiện hành.

Chia sẻ với băn khoăn của Bộ Tư pháp, song Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận phân tích: “Trong điều kiện hiện nay chưa có cơ chế bảo vệ quyền công dân hiệu quả, trước mắt nên áp dụng cơ chế này để bảo vệ quyền cơ bản của người dân trong trường hợp lợi ích của họ bị vi phạm”.  

Đa số thành viên UBTVQH đồng tình với cơ chế này, nhưng băn khoăn về việc dự luật không quy định thời hạn xem xét lại các phán quyết nói trên do phải tuân thủ trình tự, thủ tục khá tốn thời gian.

Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ cho rằng chỉ nên quy định giải quyết trong vòng 3 năm, “vì đã có đơn kháng nghị nghĩa là công dân rất bức xúc, cần giải quyết nhanh, không nên để lơ lửng trên đầu công dân những lo lắng về tranh chấp pháp lý, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc làm ăn của họ”.


Không nên để lơ lửng trên đầu công dân những lo lắng về tranh chấp pháp lý. Ảnh: Văn Dũng (Hà Nội mới)
Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ thì cho biết thực tế có nhiều trường hợp quá 3 năm mà đơn kháng nghị vẫn chưa được xem xét do cơ quan pháp luật chưa làm kịp. Điều này cần được khắc phục bằng cách vừa nâng cao năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của cấp thẩm quyền và đội ngũ giúp việc; vừa gia hạn xem xét lại, song không thể để vô thời hạn.

Công dân cần biết bao giờ kháng nghị của họ sẽ được xem xét để còn sắp xếp cuộc sống, công việc, tránh tâm lý bất an; các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ chần chừ khi chứng kiến có những kháng nghị triền miên không được giải quyết, ông Nhũ phân tích.

Bà Thu Ba giải thích cơ chế mở là lối thoát khi các cơ quan tư pháp gặp khó khăn trong việc xem xét lại các bản án, “nhưng nếu các cơ quan này làm việc nghiêm túc vì dân, trong vòng 3 năm giải quyết xong mà không phải áp dụng cơ chế mở thì quá tốt”.

Chất lượng án dân sự thấp

Một điểm gây tranh cãi khác trong dự luật là Viện Kiểm sát (VKS) có thẩm quyền tham gia tòa án dân sự khi thấy cần thiết. Báo cáo thẩm tra nhận định chất lượng án dân sự gần đây thấp, kháng nghị gia tăng một phần là do thiếu cơ chế giám sát, kiểm sát.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh nguyên tắc của án dân sự là “việc của đôi bên” - có thể có thiệt hơn nhưng người dân thấy được là được. Quy định như trong dự thảo có thể đi ngược lại nguyên tắc trên và xu thế xã hội hóa hoạt động tố tụng dân sự.

Ông Nguyễn Văn Thuận cũng không tán thành quy định này do theo Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, VKS sẽ trở thành Viện công tố, không làm nhiệm vụ kiểm sát tư pháp nữa.

Nhiều ý kiến cũng yêu cầu tổng kết, làm rõ nguyên nhân chất lượng án dân sự thấp có phải do thiếu sự tham gia của VKS. Ông Chính cho rằng nguyên nhân là ở việc ra quyết định, ở bộ máy nhân sự chứ không phải do thủ tục.

Ông Thuận cũng thấy “cái chưa được là trách nhiệm của các cơ quan liên quan, chứ không phải có VKS tham gia thì mới công bằng khách quan”.

Ông Trần Văn Độ cũng chỉ ra một nguyên nhân là tòa dân sự bị tước mất thẩm quyền thu thập chứng cứ, đương sự là công dân không phải ai cũng có điều kiện tự thu thập, trong khi đó không ít cơ quan nhà nước gây khó khăn trong việc cung cấp chứng cứ (chẳng hạn với chứng từ về đất đai, nhà cửa), khiến nhiều bản án không tránh được sai lầm, thiếu khách quan do thiếu chứng cứ.

Bà Thu Ba cũng thấy đây là bất lợi lớn của tòa dân sự, nhất là khi dân trí còn thấp, đội ngũ luật sư chưa đủ đáp ứng. Bà kiến nghị sớm xem xét lại trả lại thẩm quyền này cho tòa dân sự.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh VKS chỉ tham gia tòa dân sự để đảm bảo các trình tự pháp luật được tôn trọng, còn nguyên tắc tự định đoạt của đương sự vẫn là điều quyết định.

Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ cũng ủng hộ vì “sẽ có thêm tiếng nói khách quan trong quá trình xét xử”.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cam kết tôn trọng nguyên tắc “đương sự tự định đoạt” và khẳng định sự tham gia của VKS tại tòa dân sự sẽ “cung cấp thêm một kênh bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền công dân và tăng cường kiểm sát quyền lực nhà nước”.

Thủy Chung