- Để khẳng định vai trò đầu tàu của TP.HCM, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định, sẽ quyết liệt đeo bám Trung ương, nhất là tiếp tục xin cơ chế, chính sách đặc thù về chính quyền đô thị, nguồn vốn…
Ngày 25/10, tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện NQ 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định, mục tiêu trong thời gian tới sẽ phát huy những thế mạnh của thành phố để trở thành đầu tàu của nền kinh tế cả nước.
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Theo ông Hải, một trong những điểm mới trong Nghị quyết lần này là Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò đầu tàu của TP.HCM trong sự phát triển đất nước. “Những gì thành phố làm được, ngoài sự nỗ lực và nhanh nhạy còn là kết quả của quá trình tích lũy, kế thừa, liên tục phát hiện và sáng tạo. Bởi vậy, khi thực hiện nghị quyết này, tinh thần trên phải tiếp tục được phát huy”, ông Hải nói.
Các đại biểu cho rằng,
TP.HCM nên kiến nghị Trung ương các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn để đầu
tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị
Để đạt được mục tiêu như Bộ Chính trị mong đợi, Bí thư TP.HCM cho biết, trong thời gian tới thành phố phải quyết liệt đeo bám Trung ương, nhất là tiếp tục xin cơ chế, chính sách đặc thù về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nguồn vốn… nhằm tạo sự năng động, tính tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm.
Theo dự thảo chương trình hành động, TP.HCM dự kiến sẽ thí điểm mô hình chuỗi đô thị và có nhiều đô thị bên trong một đô thị. Về cơ cấu, chỉ gồm 2 cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp thành phố và cấp đô thị trực thuộc thành phố. Về tổ chức bộ máy sẽ tăng vai trò của người đứng đầu các cơ quan hành chính.
Các đại biểu cũng cho rằng,
TP.HCM nên kiến nghị Trung ương các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn để đầu
tư phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng đô thị, khoa học
công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét điều
chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM hợp lý hơn để tạo điều kiện cho thành
phố huy động nguồn vốn thực hiện thành công 6 chương trình đột phá.
Trước đó, trong một cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với Bộ trưởng Kế hoạch -
Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết,
hiện tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố đã giảm từ 33% xuống còn 23%, tình
hình vốn đầu tư trong năm nay thiếu hụt nghiêm trọng.
Do đó, TP.HCM đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đối với các
nguồn thu có sự phân chia giữa thành phố và Trung ương, bắt đầu thực hiện từ năm
2015. Tuy nhiên, trước khi chưa tăng tỷ lệ điều tiết, hàng năm xem xét tăng
nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho thành phố ở các chương trình mục tiêu và
tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đồng thời, ưu tiên nguồn
vốn để thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải đã được Chính phủ phê
duyệt.
Tá Lâm