- "Sự cố ở Thủy điện Sông Tranh rất bất thường, cần sớm có giải pháp. Đừng để sự cố nghiêm trọng hơn, lúc đó đổ lỗi cho ai thì cũng đã muộn", Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nghiêm Vũ Khải trao đổi với báo giới giờ giải lao phiên họp QH sáng nay.

Động đất ở thủy điện Sông Tranh đang ngày càng mạnh và tăng về cấp độ. Người dân thì lo lắng còn các cơ quan Chính phủ vẫn cho là trong giới hạn an toàn. Theo ông, vấn đề cần chú ý ở đây là gì?

-  Tôi cho là cần nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về mặt khoa học vì nó có những biểu hiện rất khác thường so với các công trình trước đây.

Tuy quy mô không lớn nhưng các hiện tượng xảy ra có tính chất khác thường nên các nhà khoa học phải trả lời cho rõ. Chưa trả lời được hết các vấn đề thì dân còn lo. Thực tiễn động đất đang xảy ra rất đáng ngại, nên quyết định dừng tích nước của Chính phủ rất hợp lý.

Tôi cũng cho là giới khoa học đã phản ứng rất tích cực, nhà đầu tư cũng chịu trách nhiệm.

Tôi đã có 10 năm theo đuổi thủy điện Sơn La, theo nghiên cứu thì khả năng có thể chịu được chấn rung 8, 9,1 độ Richter nhưng vì nó nằm ở vùng địa chất kiến tạo, nhạy cảm nên đã phải rất thận trọng. Sau khi tích nước 2 năm rồi không có động đất mạnh.

Còn thủy điện Sông Tranh là trường hợp bất thường, rủi ro cao hơn nhiều nên nghiên cứu phải rất khẩn trương, tổng thể, có những phương án để dân ứng phó.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: Lê Anh Dũng

Di dời từng ấy dân trong một lúc là không đơn giản, nên phải có ứng phó kẻo xảy ra động đất lớn hơn là thiệt hại rất lớn.

UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH đã có phiên họp để nghe nhà đầu tư và các cơ quan Chính phủ giải trình. Vậy theo ông, Quốc hội có nên đưa ra động thái mạnh mẽ hơn để đốc thúc giải quyết ?

- Việc đưa vấn đề này ra phát biểu tại hội trường hay không phụ thuộc vào các đại biểu Quốc hội.

Điều quan trọng là ứng phó thế nào lúc này. Các bộ ngành đang tích cực. Trong đó, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã cử cán bộ phối hợp Bộ Công thương, Viện Vật lý địa cầu để làm rõ vấn đề.

Các sự cố ở đây xảy ra đã tương đối lâu, nhưng đến nay dân vẫn chưa nhận được khẳng định cuối cùng về mức độ và tính chất an toàn của công trình, theo ông có nên làm rốt ráo hơn để sớm nói rõ cho dân biết?

- Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến cấu trúc địa chất, kiến tạo nên không thể trả lời căn cơ ngay lập tức được.

Theo tôi, cũng cần phải xem xét thêm một vấn đề khác nữa, đó là chuyện tích nước xảy ra động đất kích thích cũng thường diễn ra. Với trường hợp này, tần suất và cường độ có lạ hơn. Do đó, cũng cần xem liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa động đất kích thích với chuyển dịch địa chất trong khu vực ấy không.

Cá nhân tôi cho là công trình này có liên quan đến vấn đề địa chất nhiều hơn các vấn đề khác.

Thưa ông, nếu qua xem xét rút ra kết luận là do chủ đầu tư đã nghiên cứu tìm hiểu không kỹ, dẫn đến quyết định lựa chọn địa điểm xây công trình sai thì nên xử lý thế nào?

- Trách nhiệm đầu tiên khi đó thuộc về chủ đầu tư.

Đó là khi anh đặt nhiệm vụ cho người nghiên cứu ở mức này, mà họ đã làm hết trách nhiệm theo nhiệm vụ được giao thì không thể xử lý họ. Còn nếu họ làm hời hợt, không đúng yêu cầu thì mới xử lý được.

Trong nghiên cứu khoa học cũng phải tính đến yếu tố rủi ro. Bởi không thể lường trước được hết các quy luật của tự nhiên, nên nếu quy hết mọi trách nhiệm cho nhà khoa học là không đúng. Ngay cả người Nhật cũng không thể dự phòng được hết trong thảm họa sóng thần.

Truy xét hậu quả thế nào thì phải theo quy định của pháp luật.

Gần đây, phụ trách soạn luật Khoa học công nghệ sửa đổi, tôi thấy rằng điều 31 luật hiện hành quy định các dự án đầu tư đều phải có luận cứ khoa học, phải chi tiền ra làm để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, cách làm của ta vừa qua chưa đúng. Cứ cảm thấy an toàn là làm. Trong khi đó, đáng lý phải nghiên cứu, rồi bỏ tiền ra khảo sát kỹ, nếu kết luận bình thường mới được làm.

Có ý kiến cho rằng trong trường hợp chủ đầu tư, các cơ quan Chính phủ và các nhà khoa học chưa thống nhất được với nhau về mặt học thuật thì nên có một cơ quan đứng ra làm trọng tài để đưa ra được kết luận cuối cùng. Quốc hội có nên đóng vai trò này không, thưa ông?

- UB Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội vừa rồi đã tổ chức giải trình, tôi cho là rất kịp thời và đáng hoan nghênh. Sau phiên giải trình đó, chắc chắn UB sẽ có động thái phù hợp, trong chức năng và quyền hạn của mình.

Còn tất nhiên bây giờ tùy thuộc vào việc các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ xem xét mức độ, tính chất quan trọng của vấn đề để nêu ý kiến lên diễn đàn Quốc hội.

Quốc hội phải xem xét nhiều việc lớn. Chuyện thủy điện Sông Tranh cũng không phải là một việc nhỏ. Tôi tin rằng các cơ quan Quốc hội sẽ có động thái phù hợp để thể hiện trách nhiệm với nhân dân.

Sự cố xảy ra ở đây hoàn toàn không thể xem thường. Đừng để sự cố nghiêm trọng hơn, lúc đó đổ lỗi cho ai thì cũng đã muộn. Cho nên, dứt khoát là nếu có ảnh hưởng đến một tính mạng của dân thì các cơ quan có trách nhiệm cũng phải làm cho rõ ràng.

Lê Nhung