- Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Đinh Văn Nhã nói nên tính toán kỹ thời điểm luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực, để nguồn thu ngân sách không giảm quá lớn.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc nên dựa vào mức lương tối thiểu để từ đó có thể thay đổi theo biến động của giá cả thay vì con số ấn định, cứng nhắc. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Các nước đều làm thế. Nghĩa là lấy mức giảm trừ theo thu nhập đầu người. Như Trung Quốc cũng làm vậy, 2 năm lại điều chỉnh theo biến động giá khi điều đó ảnh hưởng đến thu nhập của dân cư. Đưa con số ấn định là tính thuế theo thu nhập thực tế còn lương cơ bản chỉ là danh nghĩa thôi và không phản ánh đúng bản chất về thu nhập khi mà giá cả tăng.

Mức giảm trừ gia cảnh, theo như các nước, không phải là khoản thu nhập để đáp ứng nhu cầu chi tiêu tối thiểu của một người lao động hay phụ thuộc. Đây chỉ là một quy định hỗ trợ cho người có thu nhập. Hiện nay vẫn không có nhiều người hiểu bản chất này của mức giảm trừ gia cảnh.

Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã. Ảnh: Minh Thăng

Thu nhập 10 triệu với một người gia đình đông con cũng không thể đủ sống nhưng với người khác thì có thể. Đưa ra một con số cụ thể chỉ là quy ước. Còn về nguyên tắc của thuế TNCN là tính thuế từ những khoản thu nhập đầu tiên.

Trong dự thảo có đề cập đến việc khi giá cả tăng trên 20% thì Chính phủ trình Thường vụ QH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả. Quy định về mức biến động 20% có phải là quá cao không?

- Với nước ta, giá cả hàng năm biến động khoảng 7-8% thì sau 2 năm tăng giá cả thì đến năm thứ ba điều chỉnh cũng là mức hợp lý. Mức 20% này là giá cả biến động trong khoảng thời gian nhất định chứ không phải tính trên một năm, tính từ thời điểm gốc.

Như mục tiêu ban đầu của luật Thuế TNCN và theo ông nói thì với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/người/tháng như hiện nay là đi khác so với mục tiêu này và dường như chỉ tập trung vào một bộ phận người có thu nhập tương đối cao, giống như Pháp lệnh về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trước kia?

- Đây là điều mà UB Tài chính - Ngân sách rất băn khoăn ngay từ khi tiếp cận bản dự thảo đầu tiên của Chính phủ.

Chúng tôi đồng ý với dự thảo vì số đông người dân nhưng nguồn lực của chúng ta rất hạn hẹp và làm như vậy sẽ giảm đột ngột nguồn thu.

Một trong những cải cách chính sách thuế mà chúng ta đưa ra là tăng thuế trực thu trong tổng thu ngân sách nhà nước, trong điều kiện thuế gián thu giảm. Theo như Chính phủ trình, có thể đây một bước lùi nhỏ trong tiến trình cải cách thuế. Tất nhiên, thu nhập của người dân chưa cao. Đây sẽ là vấn đề mà trong tương lai sẽ phải tính toán.

Việc chỉ tập trung vào một bộ phận người nộp thuế có thu nhập cao thì tên gọi của luật này dường như không phù hợp?

- Với mức dự kiến như hiện nay thì có lẽ tên luật thuế thu nhập cao cũng phù hợp. Vì với một người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng mà có 2 người phụ thuộc thì thu nhập từ 16,2 triệu đồng trở xuống chưa phải nộp thuế. So với thu nhập bình quân của người dân thì đây cũng là mức cao hơn rất nhiều. Đứng ở góc độ lý thuyết và thực tiễn thì đúng là có điểm chưa phù hợp với tên gọi như hiện nay.

Hy vọng kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên thì mức độ giảm người đóng thuế chỉ xảy ra trong một hai năm đầu.

UB Tài chính - Ngân sách có ước tính là bao nhiêu năm có thể bù đắp được những khoản hụt thu? Theo dự kiến, năm 2013 giảm khoảng 5.200 tỷ đồng và năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng?

- Nếu kinh tế tăng trưởng đều đặn 6-7%, tôi nghĩ năm 2015 có thể số người nộp thuế tăng lên sẽ bù đắp được. Tất nhiên, điều này cũng không thể tính chính xác được.

Tại sao chúng ta không giãn bậc thuế xuống còn 5 bậc, bởi nhiều chuyên gia đánh giá rằng chia 7 bậc là quá dày?

- Với mức giảm trừ gia cảnh như dự thảo thì tính điều tiết của thuế thu nhập đã giảm đi. Nếu chúng ta giãn bậc thuế thì hụt thu ngân sách sẽ nhiều nữa và sẽ không như con số dự báo là 12.000-14.000 tỷ đồng/năm.

Chúng ta phải đảm bảo hợp lý với người lao động song cũng phải tính để nguồn thu không giảm quá lớn. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn muốn giữ bậc thuế như hiện hành khi đã nâng mức giảm trừ.

Hiện có các ý kiến khác nhau về thời điểm áp dụng luật, nên từ ngày đầu tiên của năm 2013, vào đầu tháng 7/2013 hay đầu năm 2014. Quan điểm của ông?

- Đó là điều Quốc hội cần cân nhắc kỹ. Nếu có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 thì sẽ giảm thu khoảng 13.000 tỷ đồng. Còn nếu 1/7/2013 mới có hiệu lực thì giảm ít hơn.

Tôi nghĩ trong điều kiện khó khăn hiện nay, để cân đối ngân sách chi cho an sinh xã hội, nguồn tăng lương thì luật nên có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Ngọc Lê