- "Siết điều kiện nhập hộ khẩu chỉ giúp giảm dân số trên giấy tờ thôi, còn người lao động vẫn đổ về Hà Nội, tạm trú không cần hộ khẩu", ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) nói tại phiên thảo luận tổ về luật Thủ đô chiều 27/10.

Hà Nội không thể cứ mở vô điều kiện

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng sự khác biệt về ý kiến xung quanh dự luật này đến nay đã thu hẹp rất nhiều, chỉ còn xoay quanh một số vấn đề Hà Nội muốn hưởng cơ chế đặc thù, trong đó có việc siết các điều kiện nhập cư.

Ông Nghị cho rằng với ngoại thành vẫn thực hiện theo luật Cư trú, nhưng với nội thành cần chặt chẽ hơn để đảm bảo cuộc sống cho những người nhập cư mới cũng như người đã đang sinh sống ở đây, phù hợp với hạ tầng đi kèm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (trái): Người ở ngoài muốn về Thủ đô là bình thường

"Hoàn Kiếm diện tích 4,5km2, chỉ lớn hơn công viên Đại Nam (Đồng Nai) nửa km2 nhưng đang có 22 vạn dân. Phố cổ có những số nhà 7-8 hộ sinh sống. Hà Nội đang thực hiện một số biện pháp giãn dân cũ ra ngoại thành, cũng như đầu tư đề án giãn dân phố cổ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng", ông Nghị cho biết. "Trong bối cảnh đó mà lại tiếp tục nhận vào một bộ phận khác, thậm chí còn đông hơn cũ thì là không làm tốt trách nhiệm với người đang sống ở khu vực này".

Ghi nhận "tâm lý người ở ngoài muốn về Thủ đô sinh sống là hết sức bình thường", cũng như khẳng định "không phải chúng ta an cư lạc nghiệp rồi nên tìm cách ngăn cấm", Bí thư Thành ủy Hà Nội vẫn chỉ ra "không thể mở ra rộng rãi không kèm theo điều kiện nào".

Nhận định "chỉ nhập cư 1 người vào Hà Nội là chuẩn bị đón vài gia đình đi theo", ông Nghị khẳng định các quy định siết nhập cư không tác động đến người lao động tự do, chỉ đăng ký tạm trú và không đưa gia đình lên định cư.

ĐB ngành Công an, ông Đỗ Kim Tuyến đồng tình cần thống nhất tiết chế khu vực nội thành, khống chế để đảm bảo tốt mật độ dân số, sức chịu đựng của hạ tầng, giáo dục, y tế…

Đa số ĐB Hà Nội nghiêng về phương án mềm dẻo là chỉ siết nhập cư vào nội thành, và bày tỏ mong muốn dự luật Thủ đô được thông qua tại kỳ họp này.

Chưa thấy trách nhiệm của chính quyền

Nhưng cũng với những vấn đề đặc thù này, nhiều ĐB các địa phương khác vẫn chưa thấy thực sự thuyết phục. Như ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đã nhiều lần chỉ ra: đây đều là những vấn đề mà bất cứ đô thị lớn đang phát triển nào đều gặp, không chỉ riêng Hà Nội.

Theo ông Lịch, nếu dự luật không làm rõ được vấn đề cốt lõi là mô hình quản lý, quản trị đô thị đối với thủ đô thì "so ra chẳng thấy khác gì so với Sơn La, Lai Châu" và chỉ cần các văn bản thấp hơn luật để giải quyết một số vấn đề bức xúc nhất của Hà Nội.

ĐB Đỗ Văn Đương cùng đoàn chia sẻ: "Dự thảo luật Thủ đô vẫn dừng lại ở mệnh lệnh, đòi hỏi trách nhiệm của QH, Chính phủ, các bộ ngành đối với các vấn đề của Thủ đô, trong khi chưa toát lên được trách nhiệm của chính quyền thành phố, đối tượng thực thi nếu luật được thông qua".

Theo ông Đương, các vấn đề đau đầu mà Hà Nội "đòi" đặc thù đều là do chính quyền thành phố "nói chưa đi đôi với làm": "Việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thành nói cả chục năm nay vẫn thực hiện rất chậm trễ; không có nơi nào lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm nhiều như ở Hà Nội; sông Tô Lịch, Kim Ngưu quá ô nhiễm, không thể ngửi được; các quận xa trung tâm như Hoàng Mai, Thanh Xuân đầy khói bụi, mặc áo trắng ra đường nửa ngày là phải giặt; các khu đô thị mới thiếu cây xanh; nhiều khu vực trong nội thành thiếu nước sạch".

ĐB Đương cũng cho rằng phải làm rõ chế định tuyển cán bộ cho bộ máy hành chính Thủ đô: "Cán bộ của Hà Nội, nhất là các chức vụ quan trọng như giám đốc sở nên huy động người giỏi từ cả nước".

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh: Luật có tốt nhưng người điều hành, cấp chính quyền không vào cuộc, không tâm huyết thì cũng vậy

Chia sẻ quan điểm này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng "có luật để quản lý tốt hơn là cần", song nhấn mạnh: "Luật có tốt nhưng bản thân người điều hành, cấp chính quyền không vào cuộc, không tâm huyết thì cũng vậy".

Việc siết nhập cư được một số ĐB nhận định là khó khả thi. "Giảm cấp hộ khẩu chỉ giúp giảm dân số trên giấy tờ thôi, còn người lao động vẫn đổ về Hà Nội, tạm trú không cần hộ khẩu", ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) nói.

ĐB Đỗ Văn Đương còn cho rằng biện pháp này, cùng với việc nâng phí, phạt nặng, đều là các “giải pháp tình thế, nhưng lại mang tính chất lạnh lùng".

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh: Giảm cấp hộ khẩu chỉ giúp giảm dân số trên giấy

Đa số các ĐB đều băn khoăn khi thấy các quy định mà Hà Nội cho là đặc thù vênh nhiều so với các luật bao trùm đã có như luật Cư trú, luật Xử lý vi phạm hành chính... và đặt vấn đề nếu cần phải sửa thống nhất các luật, thậm chí sửa Hiến pháp. Trình lần thứ hai nhưng dự luật Thủ đô vẫn nhận được không ít đánh già là "hời hợt", "chỉ toàn các điều khoản hạn chế", "thiếu thống nhất", "đồng tình thấp" và "nên viết lại".

Chung Hoàng - Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng