- ĐBQH Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng việc liên kết xuất bản làm thị trường xuất bản phong phú hơn nhưng cũng phức tạp hơn khi sách lậu được bày bán công khai gây loạn thị trường.
Sáng 27/10, QH thảo luận về luật sửa đổi, bổ sung luật Xuất bản với quyết tâm sẽ thông qua tại kỳ họp này.
Các vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm cho ý kiến xoay quanh việc liên kết xuất bản và trách nhiệm của những người đứng đầu các nhà xuất bản (NXB).
Nổi cộm nhất là khâu biên tập của các nhà xuất bản hiện nay. Theo luật hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của NXB. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, thường thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm.
Siết hoạt động liên kết xuất bản
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng việc
liên kết xuất bản làm thị trường xuất bản phong phú hơn nhưng cũng phức tạp hơn
khi sách lậu được bày bán công khai gây loạn thị trường. Do vậy, nên có quy định
trách nhiệm của những người đứng đầu NXB bởi các NXB chủ yếu đóng góp giấy phép
nhưng không nắm rõ chất lượng và nội dung xuất bản phẩm đăng ký.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Minh Thăng
Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thu Anh cũng cho rằng nên mở rộng đối tượng quy định cho các đơn vị và cá nhân thành lập NXB vì các đơn vị liên kết xuất bản rất năng động trong việc mua bản quyền và xuất bản. Do vậy nên mở rộng cho tư nhân tham gia lĩnh vực xuất bản nhiều hơn.
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cũng cho rằng chính tình trạng khoán trắng cho đối tác liên kết xuất bản như hiện nay đã gây ra tình trạng in lậu và không kiểm soát được về mặt chất lượng các xuất bản phẩm. Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), có nhiều điều hạn chế cần khắc phục trong xuất bản liên kết bởi hiện nay nhiều NXB buông lỏng quản lý chỉ biết bán giấy phép lấy tiền.
Do vậy, đại biểu Lê Đắc Lâm (Thái Bình) đề xuất Nhà nước cần có quy hoạch mạng lưới các NXB và loại các NXB hoạt động không hiệu quả. "Có NXB có tới 80% xuất bản phẩm liên kết nên không kiểm soát được nội dung, nhiều sai sót. Do vậy cần quy định rõ về hình thức liên kết, trách nhiệm của người đứng đầu NXB".
Nhằm mở rộng sự tham gia và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản, UBTVQH cho rằng, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm. Còn NXB biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản.
Xuất bản điện tử được quan tâm
Xuất bản phẩm (XBP) điện tử, một lĩnh vực mới đang nở rộ và cũng khó quản lý cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, nhất là khi luật Xuất bản (sửa đổi) có hẳn 1 chương cho lĩnh vực này.
Đại biểu Trần Hồng Thắm kiến nghị: "XBP điện tử là xu thế tất yếu, là tương lai ngành xuất bản. Riêng năm 2011 đã có 3 triệu bản sách điện tử được xuất bản. Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực khó dự báo trước, cần quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt trong quản lý".
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng thị trường sách điện tử tăng trưởng mạnh và không nên giới hạn chỉ có NXB truyền thống mới có quyền xuất bản XBP điện tử mà cần cân nhắc bổ sung thêm quy định quyền xuất bản với các công ty tư nhân.
Tăng cường quản lý chất lượng xuất bản phẩm
Thực tế cho thấy rất nhiều XBP sau khi được phát hành trên thị trường mới bị phát hiện sai phạm và tiến hành thu hồi, rút giấy phép xuất bản sau khi dư luận phản ánh. Lỗ hổng trong khâu biên tập cũng như cấp phép được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đưa ra một chi tiết khiến nhiều người giật mình: "Theo 1 người làm việc trong NXB thì trung bình mỗi BTV 1 năm chỉ đọc được 15-16 đầu sách trong khi mỗi NXB một năm ra cả trăm, cả ngàn đầu sách thì chất lượng kém là tất yếu". Do vậy, "cần nghiên cứu trách nhiệm của đội ngũ đọc lưu chiểu, giao cho cơ quan nhà nước quản lý vấn đề lưu chiểu, cách thức xử lý những XBP gặp vấn đề khi lưu chiểu" như đề xuất của đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum).
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) lại băn khoăn: "Để chấn chỉnh hoạt động xuất bản, quản lý các XBP nhạy cảm, Bộ Thông tin - Truyền thông không thể đủ bộ máy đọc hết các XBP nên cần phân cấp lại cho các tỉnh. Có vậy mới hạn chế các XBP sai phạm về nội dung".
Hoàng Vy