- Thảo luận tại tổ về vấn đề lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, đa số ĐBQH cho rằng chỉ nên khoanh vùng ở 49 nhân sự cấp cao và phải bỏ phiếu luôn, không nên "vòng vo" thêm quy trình lấy phiếu.
>> Tín nhiệm thấp, cách chức luôn?
>> Chủ tịch nước: Không hoàn thành nhiệm vụ thì rút lui
Đừng kỳ thị người từ chức
Theo ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định), nên có cơ chế khuyến khích những người tín nhiệm thấp chủ động từ chức. Do đó, không cần quy định cứng nhắc tỷ lệ bao nhiêu phần trăm mới có thể xin từ chức bởi chỉ cần qua thăm dò mà tín nhiệm thấp thì vị cán bộ đó đã phải cân nhắc xin rút lui rồi.
Ủng hộ quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, chỉ một năm mà thấy tín nhiệm xuống rồi thì nên chủ động rút lui thay vì phải chờ đợi tới hai năm để bị đưa ra bỏ phiếu.
ĐB Trần Xuân Hòa: Nếu đặt ra nhiều công đoạn, lại xảy ra chuyện "chạy đêm chạy hôm" |
ĐB Hoàng Đăng Quang cũng đề xuất, trong Nghị quyết nên có một quy chế về văn hóa từ chức cho các trường hợp tín nhiệm thấp để đảm bảo khả thi.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm góp ý, những người qua lấy phiếu mà không đạt thì nên từ chức trong danh dự và tự trọng.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, để tạo ra văn hóa từ chức, phải có sự đồng thuận từ hai phía, cả quan chức lẫn tâm lý xã hội: "Xã hội đừng kỳ thị với người từ chức, như vậy họ cũng cảm thấy làm việc đó dễ dàng hơn".
Ông Pha kể lại chuyện từng có một cán bộ khi đi hiệp thương để bầu cử QH, mọi thứ đang tiến triển tốt thì đột nhiên xin rút vì lý do sức khỏe, thế là dư luận "xì xào bảo ông ấy chắc thế nọ, thế kia". Xã hội định kiến nếu ai đó từ chức chắc là "có tội mới từ chức" trong khi đây là chuyện hết sức bình thường.
E chuyện 'chạy đêm chạy hôm'
Nhiều ĐBQH phân tích rằng hai quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu là tương đối rườm rà, trong khi mục đích cuối cùng là phải thay thế được cán bộ không đủ năng lực. Chưa kể, khoảng thời gian từ lúc lấy phiếu thăm dò đến khi bỏ phiếu biết đâu sẽ phát sinh tiêu cực. Vì vậy, QH nên đi thẳng vào khâu bỏ phiếu luôn thay vì "vòng vo" ở công đoạn lấy phiếu.
Chẳng hạn, theo ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên), nếu qua quy trình lấy phiếu để thăm dò thì e sẽ dễ dẫn đến tiêu cực như làm thế nào có đủ phiếu ủng hộ.
ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) góp ý, QH nên tiến hành bỏ phiếu, chứ nếu đặt ra nhiều công đoạn lại xảy ra chuyện "chạy đêm chạy hôm".
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng đưa ra hai công đoạn lấy phiếu, bỏ phiếu nghe có vẻ máy móc. Do vậy nếu thực hiện đúng Hiến pháp thì chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm thôi.
Còn ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) lại nêu tình huống, giả sử quá nửa nội các Chính phủ ngay lần lấy phiếu đầu tiên mà tín nhiệm thấp thì có nên giải tán để lập nội các mới hay không? Bởi nếu tín nhiệm thấp thì khó làm việc.
ĐB Lê Đình Khanh: Tín nhiệm thấp thì khó làm việc |
ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) đề xuất, có thể nghĩ đến khả năng lấy phiếu cả tập thể Chính phủ nếu sau một năm hoạt động mà quản lý, điều hành quá yếu kém.
Theo ông Học, việc bỏ phiếu tín nhiệm phải đi ngay vào trọng tâm và làm thực chất, "nếu cứ làm rầm rộ, hoành tráng nhưng không hiệu quả thì dân sẽ mất lòng tin".
Trăn trở của hầu hết ĐB là phải tính đến một quy trình chặt chẽ, hợp lý và ngắn gọn để QH thực hiện đúng vai trò giám sát. Người bị đưa ra bỏ phiếu cũng phải tâm phục, khẩu phục, tránh "chết oan".
Như lo ngại của ĐB Nguyễn Phước Lộc, nếu tiêu chí không rõ ràng, minh bạch thì những người mạnh dạn dám đột phá sẽ không được lòng. Bộ máy sẽ chỉ còn lại những người "tròn vo".
Chỉ nên chọn nhân sự cấp cao
Một trong những điều kiện tiên quyết để việc đánh giá đi vào thực chất là nên khoanh vùng đối tượng. Đa số ĐBQH đều cho rằng nên tập trung vào nhóm 49 nhân sự cấp cao, những người đã được quy định rõ chức năng nhiệm vụ và việc điều hành của họ tác động đến toàn dân. Ở cấp tỉnh là chủ tịch, phó chủ tịch và giám đốc sở.
Theo ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội), khoanh vùng nhóm nhân sự cấp cao là phù hợp, còn nếu lấy phiếu tới cả các thành viên ủy ban thì nhiều quá, "có trường hợp còn không biết mặt nhau thì bỏ phiếu không thực chất".
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) gọi đây là cách thức giám sát, răn đe răn đe tốt nhất đối với những có chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. "Đồng thời, cũng là biện pháp để thanh lọc những con sâu trong bộ máy và trả nợ cho dân vì Hiến pháp đã quy định, nhưng chúng ta chưa thực hiện được", bà An nói.
Theo bà, nên khoanh vùng lấy phiếu những người quản lý quyền và tiền: "Tham nhũng phải là những cán bộ có tiền và quyền, nên phải quản lý chặt họ".
Phiên thảo luận về Đề án tại hội trường sẽ diễn ra ngày 10/11, được truyền hình trực tiếp.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Sai phạm nhiều lắm mà không làm thế nào được Tiêu chí đánh giá cần có cả hiệu quả thực hiện công việc. Bởi sẽ có những người có năng lực, phẩm chất đạo đức không vấn đề gì cũng không làm gì sai, nhưng tròn vo, ngại va chạm, trì trệ, không thay đổi, không có sản phẩm gì đột phá ở đầu ra. Cuối năm đảng viên đều có kiểm điểm. Đây là một cách đánh giá cán bộ nhưng làm lâu rồi mà không thực sự hiệu quả, trừ khi có sai phạm lớn. Vậy là cán bộ cứ phải hết nhiệm kỳ mới xét trong khi giữa nhiệm kỳ nhiều sai phạm lắm mà không làm thế nào được Chỉ nên làm 49 người thôi, năm đầu đã làm rộng quá thì không ổn. |
L.Nhung - X.Linh - T.Chung - Ảnh: L.A.Dũng