- Tại phiên thảo
luận hội trường chiều nay về kinh tế - xã hội, Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà nhấn mạnh việc tăng cường kỷ
cương hành chính, cương quyết xử lý những trường hợp cấp trên nói cấp dưới không
nghe hoặc có nghe nhưng không thực hiện.
ĐB Chu Sơn Hà nhận định kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội không cao và thiếu đồng bộ thời gian qua, có nguồn gốc quan trọng là do “cán bộ, lãnh đạo nhiều nơi chỉ lo giấu giếm sai sót, không còn thời gian để suy nghĩ việc tái cơ cấu kinh tế và các nhiệm vụ khác”.
Để dẫn đến những biểu hiện này trong đội ngũ cán bộ, theo ông Hà, là do những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, của các cơ quan tham mưu của Chính phủ cùng với sự tồn tại của tư tưởng lợi ích nhóm.
Hậu quả dễ thấy nhất đối với nền kinh tế là tỉ lệ nợ xấu cao do cho vay vốn trông vào bất động sản, cũng như một loạt tác hại đối với xã hội. Ông Chu Sơn Hà chỉ ra: “Bộ Y tế buông lỏng quản lý nhà nước đối với dược phẩm, gần đây xuất hiện nhiều loại thuốc rởm, nguy hiểm. Bộ Công thương và Bộ Tài chính buông lỏng quản lý xăng dầu, như hiện tượng chênh lệch tạm nhập tái xuất ở Petrolimex đến hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Bộ Kế hoạch - Đầu tư buông lỏng quản lý đất đai trong quá nhiều năm đối với hơn 10 nghìn ha đất của các nông trường, trạm trại…”.
Qua những phân tích trên, Phó đoàn ĐBQH Hà Nội kiến nghị ba giải pháp: Thứ nhất, cần khắc phục ngay lợi ích nhóm đang tồn tại giữa một bộ phận lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với một bộ phận cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước để việc tái cơ cấu DNNN được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả, tách chức năng quản lý và chức năng sở hữu của nhà nước đối với các DNNN để không làm méo mó thị trường và khắc phục sự phân biệt đối xử giữa DNNN và các thành phần kinh tế khác.
Ông Chu Sơn Hà cũng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ cương hành chính, cương quyết xử lý những trường hợp cấp trên nói cấp dưới không nghe hoặc có nghe nhưng không thực hiện.
ĐB Hà Nội lấy ví dụ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến kiểm tra tiến độ xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội có ý kiến chỉ đạo nhưng không được thực hiện. “Không lẽ Phó Thủ tướng mà cũng ‘bó tay chấm com’?”, ĐB đặt câu hỏi.
Phó đoàn ĐBQH Hà Nội cũng nhắc lại yêu cầu rà soát và kiên quyết cắt giảm những dự án không quá cấp bách để tập trung đầu tư cho những công trình trọng điểm có tác dụng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Quay trở lại câu chuyện cán bộ, ông Chu Sơn Hà liên hệ cuộc vận động Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nêu yêu cầu sớm xây dựng văn hóa từ chức trong đội ngũ công chức để không cản đường hay kéo lùi sự phát triển của đất nước.
“Vấn đề này không mới vì cách đây 62 năm, Bác Hồ đã ký ban hành quy chế công chức Việt Nam có các chế định về từ chức và từ chức bắt buộc. Nay ta cũng có quy định đó trong luật Công chức”, ông Hà nói. “Việc trong kỳ họp này QH đang thảo luận để ban hành Nghị quyết về bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm là một tiến bộ để thực hiện các sắc lệnh trên”.
Chung Hoàng- Ảnh: Quốc Khánh
Nguồn clip: VTV