- Trước những quan ngại của ĐB Lê Thị Nga và một số ĐBQH khác về tiêu cực trong điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đề xuất tổ chức một cuộc giám sát toàn diện ngay trong năm tới và công bố cho dân biết.


Vấn đề gây băn khoăn nhiều nhất là việc mỗi lần giá thế giới tăng thì Việt Nam cũng tăng theo, song khi giá giảm thì trong nước chỉ giảm “nhỏ giọt”.

Ông Huệ thừa nhận, ý kiến này mới đúng về mặt hiện tượng. Còn về bản chất, do nghị định 84 quy định chu kỳ tính giá cơ sở xăng, dầu là 30 ngày. Khi giá tăng cao thì Chính phủ phải sử dụng công cụ giảm thuế nhập khẩu.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh: Minh Thăng

“Trong một thời gian dài, chúng ta đã giữ thuế nhập khẩu ở mức 0%, trong khi biểu thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu là từ 20%-30% và sử dụng quỹ bình ổn giá. Thậm chí phải sử dụng cả định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối 300 đồng/lít. Nên khi giá thế giới giảm phải khôi phục lại một phần thuế và quỹ bình ổn, nên giảm giá thì trước cũng tính vào phần đã tăng”, ông Huệ cho hay.

Tuy vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Bộ Tài chính đã chủ động đánh giá nghị định 84 vào cơ chế quỹ bình ổn giá. Cuối năm ngoái, Bộ đã đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nghị định 84.

Cũng năm vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và công khai về quỹ bình ổn giá. Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán toàn diện Tổng công ty xăng dầu Petrolimex.

Bộ trưởng Tài chính đồng thời đề nghị Quốc hội tiến hành một cuộc giám sát chuyên đề toàn diện về lĩnh vực quản lý giá, nhất là đối với giá xăng, dầu ngay trong năm 2013. Sau đó, công bố cho ĐBQH và cử tri được biết.

Liên quan đến câu hỏi của Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga về việc có hay không buông lỏng quản lý vấn đề tạm nhập, tái xuất, ông Huệ cho biết, từ cuối năm 2011, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thanh tra toàn diện trong toàn quốc về quản lý thuế tạm nhập, tái xuất. Lần đầu tiên các số liệu về kinh doanh tạm nhập, tái xuất và tình hình thuế thu nhập đối với tạm nhập, tái xuất xăng, dầu đã được công bố.

Sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị để tăng cường quản lý hoạt động này.

Giải đáp thắc mắc của ĐB Lê Thị Nga về lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, ông Huệ cho hay, sắc thuế này được Quốc hội thông qua trong luật Thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1996.

“Xăng, dầu là nguyên liệu gốc hóa thạch, không có khả năng tái tạo. Thông lệ các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cả xăng, dầu, Việt Nam ta mới chỉ thu xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu. Mà cũng chỉ thu ở mức thấp, khoảng 0,1 đôla/l, hầu hết các nước thu ở mức 0,4 - 0,7 đôla/l”, ông Huệ nói.

Theo Bộ trưởng Tài chính, các loại thuế sẽ được rà soát khi xem xét sửa đổi, bổ sung luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế, phí Việt Nam ở mức thấp

Ông Huệ cũng giải trình thêm thông tin về chuyện người VN phải đóng thuế, phí cao hơn nhiều nước (gần 30% GDP).

Theo ông, tỷ lệ động viên ngân sách của các nước thường chỉ tính trên thu của ngân sách trung ương. Ở nước ta ngân sách là thống nhất gồm cả thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Mặt khác, thu ngân sách của Việt Nam được tính cả thu từ dầu thô, từ quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, từ viện trợ, trong khi bản chất các nguồn thu này không phải là khoản động viên từ nền kinh tế.

Nếu tính trong năm 2006 - 2010, tỷ lệ động viên từ thuế, phí bao gồm cả dầu thô là 24,9% GDP, nhưng nếu chỉ tính ngân sách trung ương chỉ bằng 17,9% GDP.

Nếu loại trừ thu dầu thô thì tỷ lệ động viên ở Việt Nam tính chung là 19,2%, riêng ngân sách trung ương là 12,2%. Nếu loại trừ tiếp các khoản thu không mang tính chất động viên như ở các nước là thu sử dụng đất, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, thu từ viện trợ thì tỷ lệ động viên chung là 13,4% GDP - mức thấp và trung bình thấp trong khu vực.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Huệ, chiến lược cải cách hệ thống thuế được xây dựng theo hướng giảm tỷ lệ động viên để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng như từng sắc thuế, tăng tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình sửa luật Thuế thu nhập cá nhân, đầu năm sau cũng sẽ trình sửa đổi luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang cân nhắc sửa một số loại thuế, phí khác, như phí sử dụng đường bộ.

L.Nhung