- Bàn về ngân sách tại QH chiều nay (31/10), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Chính phủ hết sức tránh những chủ trương, biện pháp thu gây sốc cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là nguy cơ lạm phát vẫn đang rình rập.
Ông Trương Trọng Nghĩa đặc biệt lưu ý đề xuất thu phí quỹ bảo trì đường bộ của Bộ Giao thông - Vận tải. Ông đề nghị bộ này tính toán, thống kê tất cả các khoản thu đánh trên người tham gia giao thông đường bộ hiện nay, phân loại phương tiện, ngành nghề kinh doanh, đưa ra con số chính xác để xác định 3 vấn đề:
Thứ nhất, người tham gia giao thông nói chung đang phải gánh chịu bao nhiêu khoản phí và khoản thu, kể cả thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu.
Thứ hai, mức thu như vậy là cao hay thấp, các khoản thu như thế có hợp lý không trong điều kiện thu nhập của nhân dân và tình hình kinh tế suy thoái hiện nay.
Thứ ba, hậu quả trực tiếp và lan tỏa của việc thu phí này như thế nào, hậu quả xấu thì xử lý ra sao. Nếu khoản thu này là hợp lý, liệu có bỏ bớt các loại phí bất hợp lý họ đang phải đóng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa.
Ảnh: Quang Khánh |
ĐB TP.HCM cũng lưu ý Chính phủ “nuôi nguồn thu” đối với những địa phương, ngành nghề, doanh nghiệp có tiềm năng tạo ra nguồn thu trung và dài hạn, tránh làm cho các nguồn này bị kiệt bằng cách thu quá cao, thiếu chính sách để khoan sức và nuôi dưỡng.
Giám sát ngân sách rất khó
Trong khi đó, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đưa ra nhiều ví dụ thực tế cho thấy trong điều hành ngân sách vẫn còn những hạn chế đáng kể. Ông cho rằng Chính phủ khi báo cáo về thực hiện ngân sách nên có đánh giá rõ hơn về các hạn chế, yếu kém, vì điều này liên quan đến các giải pháp của năm sau.
“Chỉ khi nào khắc phục kiên quyết và triệt để những hạn chế, yếu kém, thì mới có cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ ngân sách của năm sau”, ông Hùng nói.
Từ cách đặt vấn đề đó, ông bổ sung 5 kiến nghị vào 6 nhóm giải pháp của Chính phủ cho năm 2013.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Thăng
Thứ nhất về kỷ luật tài chính, ĐB Thái Nguyên đề nghị có thái độ nghiêm khắc đối với các trường hợp chi vượt dự toán, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Bên cạnh đó là thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra. Ông Hùng cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi luật Kiểm toán theo hướng nâng cao hiệu lực pháp lý của các kiến nghị kiểm toán.
“Chưa bao giờ việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán đặt trên 90%, đây là một thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ ngân sách”, ông Hùng nói.
Thứ hai, cần nhấn rõ hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí và chống thất thu ngân sách, cả ở cấp vĩ mô và vi mô. “Theo các chuyên gia, cảng Vân Phong là một ví dụ điển hình về lãng phí chiến lược do thời gian thực hiện kéo dài. Mức đầu tư từ 3.000 tỷ đồng năm 2007, lên 6.000 tỷ vào thời điểm khởi công, đến nay dự kiến trên 10.000 tỷ. Cần nghiêm túc xem xét và có giải pháp xử lý”, ĐB Thái Nguyên nói.
Thứ ba là tháo gỡ các vướng mắc để sớm phân bổ ngân sách về các bộ ngành, địa phương để kịp phát huy hiệu quả. Qua giám sát về giảm nghèo cho thấy chỉ tiêu này không đạt có phần do phân bổ ngân sách chậm, hiệu quả sử dụng ngân sách thấp.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng đặc biệt kiến nghị các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến từ cử tri và xã hội để sửa đổi các quy định bất hợp lý, gây ách tắc trong việc chi ngân sách. Ông Hùng lấy ví dụ chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo cho các đối tượng nghèo.
“Có hai vướng mắc quan trọng: Trước hết là quá nhiều đầu mối thực hiện, gia đình nào có 3 con học 3 cấp thì phải đến 3 cơ quan để được hưởng một chính sách. Thứ hai là đường đi của ngân sách quá lòng vòng, nhiều gia đình phải vay tiền, chịu lãi để đến trường nộp học phí, sau đó lấy chứng từ để về địa phương cấp ngân sách”, ông Hùng chỉ ra.
Phát hiện này sau khi giám sát đã được kiến nghị từ đầu năm nhưng tốc độ tiếp thu và sửa của các bộ ngành rất chậm.
Cuối cùng, ông Hùng mong QH tăng cường giám sát việc thực hiện ngân sách nhưng cũng thấy việc này rất khó, “khó hơn giám sát những nội dung chuyên môn”.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng yêu cầu tăng cường thông tin cho QH và các ĐB để thực hiện nhiệm vụ giám sát này hiệu quả hơn.
Chung Hoàng