- Câu chuyện gần 500 tử tù đang nằm chờ chết vì chưa có nguồn thuốc độc được các ĐBQH phân tích mổ xẻ trong hai ngày thảo luận về công tác phòng chống tội phạm.

Một mặt, ĐBQH muốn truy trách nhiệm cơ quan chức năng vì trình phương án mới mà chưa dự phòng nguồn thuốc. Mặt khác, nhiều ý kiến đề xuất quay trở lại hình thức xử bắn như cũ trong khi chờ sản xuất thuốc độc. Bởi với số án tồn như hiện nay, tử tù thì căng thẳng muốn xin được chết, quản giáo cũng bị nhiều áp lực.

Bộ Y tế phải trả lời dứt khoát

Về trách nhiệm của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, khi thuyết phục để QH đồng ý với hình thức tiêm thuốc độc, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt điểm ưu việt (nhanh, đảm bảo tính nhân đạo, giảm nhanh số tù tử hình...). Nghị định ban hành sau đó cũng chỉ rõ tên 3 loại thuốc độc sẽ dùng và trách nhiệm của Bộ Y tế là phải cung cấp thuốc. Tuy nhiên, đến bây giờ khi cần thực thi thì lại "bí" vì không có thuốc.

ĐB Nguyễn Thanh Hải: Nếu ĐBQH được cung cấp thông tin chưa mua được thuốc thì chưa chắc đã thông qua luật hoặc sẽ yêu cầu có lộ trình

"Tại sao Chính phủ đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chắc chắn là đi tham quan nước ngoài để biết rõ các loại thuốc cũng như quy trình thực hiện mà không tìm hiểu tiếp có ai bán các loại thuốc đó hay không?", bà Hải nêu.

Lục lại quá trình thông qua dự án luật này, bà Hải cho hay, tuyệt nhiên không thấy một thông tin nào đưa ra quan ngại về việc không tìm được nguồn thuốc.

"Thăm ván thì mới bán thuyền. Nếu ĐBQH được cung cấp thông tin về việc chưa mua được thuốc thì chưa chắc đã thông qua luật hoặc sẽ yêu cầu phải có lộ trình", bà Hải cho hay. Gần đây, báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cũng chỉ ra một số bất cập khác nếu áp dụng tử hình bằng tiêm thuốc độc, đó là nguy cơ đánh tháo tù nhân trong quá trình di chuyển...

Bà Hải yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan trình luật Thi hành án sửa đổi, tại sao khi trình ra QH lại chỉ nêu ra toàn ưu việt.

"Không có gì khổ bằng ngồi chờ chết. Trung bình 1 năm có tới 80-100 người bị kết án tử hình, mà chúng ta đã để tồn ít nhất 5 năm rồi", bà Hải nói.

Theo bà, ngay trong kỳ họp này, Bộ Y tế phải trả lời dứt khoát liệu có mua được thuốc hay nguyên liệu sản xuất thuốc hay không, hoặc có thể bào chế ngay trong nước. Thậm chí, nếu cần thiết phải đặt hàng các nhà khoa học và xem đây là việc trọng điểm quốc gia trong năm tới.

Tiêm thuốc độc

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thừa nhận, mọi công việc chuẩn bị để áp dụng tiêm thuốc độc cơ bản đã xong, từ xây cơ sở cho đến trang thiết bị, đào tạo, chỉ thiếu mỗi thuốc.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Chỉ thiếu mỗi thuốc

Theo ông Cường, nguyên do là trong nghị định của Chính phủ lại ghi rõ tên thuốc, mà đều là loại thuốc trong nước chưa sản xuất được, phải nhập. Tuy nhiên, khi phía đối tác biết được ý định nhập thuốc về để xử án tử hình thì họ dừng việc nhập thuốc lại và khuyến nghị nếu phía VN vẫn dùng thì có thể ảnh hưởng đến việc nhập các nguồn thuốc khác.

Hướng xử lý sắp tới, theo Bộ trưởng, là Hội đồng chuyên môn tối cao của Bộ Y tế sẽ nghiên cứu kỹ và tìm ra các nhóm thuốc mà trong nước tự sản xuất. "Sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất", ông Cường cho hay.

Để giải tỏa thắc mắc của ĐBQH, ông Cường đề xuất Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình rõ thêm về nguồn thuốc. "Trong trường hợp chưa chắc chắn thì có thể đề nghị Quốc hội bổ sung vào nghị quyết về công tác tư pháp năm 2012 một giải pháp xử lý trước mắt trong lúc chờ thi hành án bằng tiêm thuốc độc", ông Cường nói.

Giải pháp tạm thời trước mắt được nhiều ĐBQH đề xuất là trở lại với hình thức xử bắn như cũ và có lộ trình để tiến tới tiêm bằng thuốc độc. Như ý kiến của Trung tướng Trần Văn Độ, “đề nghị Chính phủ tổ chức sản xuất những thuốc này, mà tôi nghĩ cái đó trong tầm tay của chúng ta”.

Dù nhận được yêu cầu giải trình của cả ĐBQH lẫn Bộ trưởng Tư pháp song đến phút cuối phiên họp, Bộ trưởng Y tế vẫn chưa có lời giải đáp.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng