- Tuần này, ba phiên họp quan trọng về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi và bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Các đại biểu QH có
một tuần làm việc bận rộn. Ảnh: Minh Thăng
Ngày 7/11, QH dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Khiếu kiện đất đai những năm gần đây đã trở thành điểm nóng, chiếm 70% tổng số khiếu nại, tố cáo của công dân, theo số liệu từ Thanh tra Chính phủ.
Nhiều chuyên gia, nhà làm chính sách lên tiếng về những bất cập của pháp luật đất đai hiện hành mà nếu chậm được khắc phục sẽ khó tránh gia tăng khiếu kiện trong tương lai. Điển hình là các vấn đề định giá đất, bồi thường khi thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, thời hạn giao, cho thuế đất nông nghiệp…
Vì vậy, trong kỳ họp này, dự thảo luật Đất đai sửa đổi cũng được trình, nhấn mạnh nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và giữ nhiệm vụ định giá. Ngày 6/11, các ĐB sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo này, trong khi có nhiều nhận định rằng luật sửa đổi chưa có điểm nào thực sự đột phá so với luật năm 2003.
Ngày 9/11, QH dành cả ngày thảo luận ở hội trường về dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Dự kiến được xem xét và thông qua ngay trong kỳ này, dự luật nhận được không ít ý kiến trái chiều của ĐB trong phiên họp tổ.
Việc thay đổi tổ chức bộ máy của Ban chỉ đạo TƯ sau khi bộc lộ hiệu quả hạn chế của việc để cơ quan này nằm trong hệ thống hành pháp chưa được trình bày thuyết phục, khiến nhiều ĐB “đau đầu” về “hình hài” tương lai của bộ máy này khi không còn các Ban chỉ đạo tỉnh, thành.
Việc kê khai và minh bạch tài sản cũng một lần nữa được “xới xáo”, nhưng chưa đủ để ĐB yên tâm sẽ có chuyển biến sau một thời gian dài thực hiện “hình thức”, vì vẫn chưa có chế tài đủ mạnh yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm hay phương thức kiểm soát thu nhập của những đối tượng có nguy cơ tham nhũng.
Việc sửa luật lần này, theo chủ ý của ban soạn thảo, là để cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 5 chuyển Ban chỉ đạo TƯ phòng, chống tham nhũng về Bộ Chính trị, và cũng nhấn mạnh chỉ sửa một số điểm nhỏ để phù hợp với quy trình một kỳ họp. Nhưng xem ra, sửa “nhỏ” nhưng sửa không “đến nơi đến chốn” vẫn khó qua “ải” ĐB.
Một nội dung quan trọng nữa sẽ được QH dành buổi sáng thứ bảy (10/11) để thảo luận là việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Câu chuyện này đang ngày càng “tăng nhiệt” khi các ĐB có trong tay một bản dự thảo quy trình khá đầy đủ. Để việc này sớm được triển khai và có hiệu quả, đa số ĐB, tại phiên họp tổ, đồng ý khoanh vùng 49 nhân sự cấp cao.
Nhưng ĐB băn khoăn hơn cả về tính khả thi của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Có người muốn bớt khâu lấy phiếu và tiến hành bỏ phiếu luôn đối với người không còn được tín nhiệm. Có người muốn từ lá phiếu tín nhiệm phải hình thành văn hóa từ chức trong những người có chức có quyền.
Nếu có thể sớm triển khai việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm, các cơ quan dân cử có thể nói sẽ “lôi được thanh bảo kiếm ra khỏi vỏ” để thực hiện triệt để quyền lực mà nhân dân ủy thác.
Cũng trong tuần này, các ĐB cũng sẽ thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và luật Thủ đô.
VietNamNet sẽ đưa tin chi tiết về tuần làm việc bận rộn này của QH.
Chung Hoàng