Tổng thống Ben Ali và gia đình sống trong xa hoa, phung phí trong khi cả quốc gia chịu đựng cực khổ.
Năm 2010, trang web Wikileaks đã công bố hàng loạt bức điện tín ngoại giao mật gửi từ các đại sứ quán Mỹ khắp nơi trên thế giới về Bộ Ngoại giao tại Washington. Các bức điện tín mà Đại sứ Mỹ Robert F. Godec tại Tunisia gửi về đã cho thấy tình trạng tham nhũng khó thể hình dung nổi của lãnh đạo nước này.
Theo cuộc khảo sát hàng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế và các quan sát của Đại sứ quán Mỹ, tham nhũng tại Tunisia ngày càng tồi tệ hơn. Theo lời đồn, cho dù đó là tiền mặt, dịch vụ, đất đai hay du thuyền, gia đình của Tổng thống vừa bị lật đổ Ben Ali "cứ muốn là có".
Ben Ali và vợ - Leila. Ảnh: AP
Theo chỉ số Tổ chức Minh bạch quốc
tế đưa ra năm 2007, nạn tham nhũng ở Tunisia ngày một tồi tệ. Xếp hạng của
Tunisia trượt từ thứ 43 năm 2005 xuống vị trí 61 năm 2007
(trong 179 quốc gia) với số điểm 4,2 (1 điểm là tham nhũng nhiều nhất và 10 là
ít tham nhũng nhất).
Đại gia đình
Đại gia đình Tổng thống Ben Ali thường được coi là mối liên hệ điển hình của nạn tham nhũng tại Tunisia. Đại gia đình này thường được coi gần giống như một băng đảng mafia. Gần một nửa cộng đồng kinh doanh Tunisia có thể yêu cầu một “kết nối Ben Ali” thông qua hôn nhân. Vợ của Ben Ali, Leila Ben Ali, và đại gia đình của bà - được gọi là các Trabelsi (họ của Leila thời con gái) - đã châm ngòi cho nỗi tức giận lớn nhất từ người Tunisia. Cùng với những cáo buộc về tham nhũng của Trabelsi còn là những lời châm biếm, chế nhạo về sự thiếu giáo dục của họ, địa vị xã hội thấp kém và cung cách chi tiêu ấn tượng.
Trong khi một số bất mãn về bè đảng Trabelsi dường như bắt nguồn từ sự coi khinh cách sống trọc phú của họ, người dân Tunisia còn cho rằng, chiến thuật cánh tay vươn dài của các Trabelsi và sự vi phạm hệ thống một cách trắng trợn khiến họ dễ dàng bị tức giận, ghét bỏ. Anh của Leila là Belhassen Trabelsi là thành viên nổi tiếng nhất trong gia tộc và được cho là đã tham gia vào hàng loạt “thương vụ” tham nhũng từ chiếm đoạt tài sản tới moi tiền hối lộ.
Tài sản mà Belhassen Trabelsi nắm giữ rất lớn, bao gồm một hãng hàng không, vài khách sạn, hai đài phát thanh tư nhân, các nhà máy lắp ráp ô tô, nhà phân phối cho hãng Ford, một công ty phát triển bất động sản, và danh sách vẫn còn tiếp tục. Dĩ nhiên, Belhassen chỉ là một trong số 10 anh chị em ruột của Leila, mỗi người lại có vợ (chồng) và con của họ. Trong đại gia đình ấy, em trai của Leila là Moncef và cháu trai Imed cũng là những nhân vật nắm giữ vai trò kinh tế rất quan trọng.
Nhiều người Tunisia lập luận rằng, Ben Ali bị gia tộc Trabelsi lợi dụng và không ý thức được các giao dịch mờ ám của họ. Một quan chức trong chính phủ từng nói với Đại sứ Mỹ rằng, vấn đề không phải là Ben Ali, nhưng “Đại gia đình” của ông đã đi quá xa và phá vỡ các quy định, luật lệ. Tuy nhiên, khó có thể tin rằng Ben Ali không biết được sự thực. Thực tế còn có thể phản ánh sự chia rẽ về địa lý giữa các “thái ấp” Ben Ali và Trabelsi.
Gia tộc Ben Ali được cho là tập trung ở khu vực duyên hải miền trung, còn gia tộc Trabelsi hoạt động ở các khu vực khác lớn hơn. Đại gia đình phía Ben Ali và các con, cháu trong cuộc hôn nhân đầu tiên cũng được nhắc tới trong nhiều câu chuyện tại Tunisia. Ben Ali có bảy anh chị em ruột, trong đó một người anh quá cố từng là tay buôn ma túy nổi tiếng, bị kết án vắng mặt 10 năm tù tại tòa án Pháp. Ben Ali có ba con với người vợ đầu tiên là Naima Kefi Ghaouna, Dorsaf và Cyrine. Chúng lần lượt kết hôn với Slim Zarrouk, Slim Chiboub và Marouane Mabrouk - tất cả đều là những thế lực kinh tế đáng nể.
Đâu cũng là điền trang, thái ấp
Đại gia đình của Ben Ali và Trabelsi kiểm soát rất nhiều công ty và bất động sản, đôi khi họ giành chúng bằng vũ lực. Thậm chí những người họ hàng xa, với tiếng có liên quan tới gia đình tổng thống cũng có thể hành động coi thường pháp luật.
Trên Internet có rất nhiều đồn đoán về việc vợ của Ben Ali, Leila Trabelsi cố gắng bán một hòn đảo của Tunisia hay nỗ lực đóng cửa một trường tư để có thể quảng bá cho ngôi trường của chính bà. Con rể của Ben Ali, Mohammad Sakher el-Materi, được cho là người sở hữu rất nhiều đại lý xe hơi cao cấp của quốc gia, với rất nhiều ngành kinh doanh sinh lời khác.
Trong một bức điện tín năm 2009, Đại sứ Robert Godec nhấn mạnh rằng, các thành viên trong gia đình Ben Ali bị rất nhiều người Tunisia căm ghét vì lối sống xa hoa quá mức của họ. Thị trấn nghỉ dưỡng đẹp như tranh vẽ Hammamet là nơi để họ thể hiện điều ấy. Trong các cuộc phỏng vấn, người dân nói người thân của Ben Ali thường tổ chức các bữa tiệc cực kỳ sang trọng, đi trên những chiếc Ferrari và nhiều loại xe hơi siêu sang khác.
Trong một bức điện khác, Godec đã chứng kiến một đêm xa hoa trong tòa nhà rộng rãi của Materi nằm trên bờ biển của Hammamet. Ngôi nhà chất đầy các hiện vật cổ đại, và cả đầu của một con sư tử mà từ đó, nước đổ vào hồ bơi, Godec viết. Trong khu nhà, Materi có nuôi chú hổ lớn. Trong đêm đó, họ được đãi tiệc với hàng chục món ăn, món tráng miệng bao gồm kem và sữa chua mang về từ Saint Tropez trên máy bay riêng của Materi. Trong bữa ăn, Materi đã bày tỏ sự hứng thú về việc nhượng quyền thương mại McDonald tại Tunisia.
Dù có rất nhiều câu chuyện và tin đồn, nhưng hầu hết người dân Tunisia không biết rõ gia đình Ben Ali đích thực sống xa hoa thế nào. Chỉ vài ngày gần đây, khi lục soát biệt thự của cháu Ben Ali là Kais Ben Ali, sự thật mới dần sáng tỏ. "Không thể tin nổi”, Fathi Gdara, một thợ hàn nói khi bước vào phòng ngủ rộng rãi có thể nhìn ra bể bơi và quan sát Địa Trung Hải. Ông lắc đầu và nhấn mạnh: “Đó là tiền của người dân”.
Thái An (Theo About, Washington Post)