Nổi tiếng là người bình dân, Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, 57 tuổi, được xem là người thân cận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ khi cả hai cùng hoạt động ở trung ương đoàn thanh niên.
Gần đây là một phó thủ tướng kiêm thành viên ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Lý được xem là ứng viên sáng giá nhất cho ghế Thủ tướng Trung Quốc khi quá trình chuyển giao lãnh đạo diễn ra nay mai.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: zimbio |
Hiếu học
Lý Khắc Cường sinh năm 1955 tại tỉnh An Huy. Ông gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc năm 1976 và lãnh đạo phong trào sinh viên đại học từ 1978-1982. Ông cũng đã hoàn tất nghiên cứu tiến sĩ về kinh tế.
Con đường công danh của Lý Khắc Cường dường như không mấy gian nan, thậm chí có thể xem là khá thông thuận. Tuy nhiên, thành công của ông không hề dựa vào may mắn, mà nhờ chăm chỉ hiếu học và làm việc nghiêm túc kỷ luật. Từ một sinh viên lớp cử nhân tài năng khoa Luật, Đại học Bắc Kinh, ông trở thành đến Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, rồi Tỉnh trưởng Hà Nam, Bí thư Liêu Ninh, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.
Ông luôn khá bình dị và khiêm tốn. Trong thời gian giữ chức lãnh đạo tỉnh tại Hà Nam và Liêu Ninh, Lý Khắc Cường gần như không hề có chuyến thăm nước ngoài nào, và cũng rất ít khi tham dự các cuộc chiêu đãi tiệc tùng.
Sự kín tiếng của ông Lý Khắc Cường khiến cho giới bên ngoài khó đoán biết phong cách cá nhân ông. Nhưng thực tế ngay từ những năm 1980, Lý Khắc Cường đã đưa ra những tổng kết sâu sắc về hoạt động chính trị. Ông cho rằng, trong điều kiện xã hội Trung Quốc, người làm cán bộ cần có 3 khí chất: khí chất cán bộ, khí chất trí thức và nghĩa khí. Khí chất cán bộ là khi gặp việc lớn có thể điềm tĩnh đối diện; khí chất trí thức là có hiểu biết và tầm nhìn theo kịp thời đại; nghĩa khí là có thể khiến cho lãnh đạo, đồng nghiệp, cấp dưới yên tâm và tin cậy.
Khác biệt
Ông Lý Khắc Cường là vị lãnh đạo
cấp cao đầu tiên của Trung Quốc có bằng tiến sĩ kinh tế học và bằng thạc sĩ
ngành luật. Những thế hệ
lãnh đạo trước đây thường có con đường học vấn nghiêng về các
ngành kỹ thuật.
Lý Khắc Cường được chọn là phó bí thư tỉnh uỷ Hà Nam năm 1998 và trở thành bí thư tỉnh uỷ Liêu Ninh năm 2004. Ông là vị tỉnh trưởng trẻ tuổi nhất của Trung Quốc khi được giao nhiệm vụ dẫn dắt tỉnh Hà Nam. Ông được biết tới với sự thành công trong thúc đẩy kinh tế Hà Nam, sau đó gây ấn tượng lớn với lãnh đạo cũng như người dân Trung Quốc bằng các nỗ lực đem lại sức sống mới cho Liêu Ninh.
"So với Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường thận trọng hơn nhiều”, Bạc Trí Nguyệt - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore nói. ''Phong cách của họ rất khác biệt”. Theo nhà nghiên cứu Bạc, trong khi ông Tập là người khá tự tin, thì ông Lý lại kín đáo hơn nhiều.
Phó thủ tướng Trung Quốc là một trong số ít các nhà lãnh đạo nước này có thể nói tiếng Anh trôi chảy. Ông đã khiến giới quan sát ngạc nhiên trong một chuyến thăm Hong Kong năm ngoái khi dùng tiếng Anh phát biểu trong một sự kiện ở Đại học Hong Kong. Vợ ông, bà Trịnh Hồng, là giáo sư ngành ngôn ngữ học và cũng là chuyên gia về văn học Mỹ. Bà đã từng dịch một vài tác phẩm văn học hiện đại Mỹ sang tiếng Trung Quốc.
Theo Kerry Brown, phụ trách
chương trình châu Á của tổ chức Chatham House ở London, Lý Khắc Cường có
phong thái thân thiện với quần chúng.
Vào tháng 1, ông đã thực hiện chuyến đi tới châu Âu và sau đó đã bình luận về mối quan hệ giữa châu lục này với Trung Quốc trong một bài viết đưa ra hồi tháng 5. Ông viết: "Thế giới ngày nay cần cả tư duy phương Tây và tầm nhìn phương Đông. Nếu Trung Quốc và châu Âu có thể đạt được thành công bằng việc phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện tương ứng của mình, chúng tôi sẽ khiến thế giới hoà hợp và thịnh vượng hơn”.
Với lý lịch khác biệt, Lý Khắc Cường được hi vọng sẽ mang lại những thay đổi lớn lao trong tư tưởng giải quyết những vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Thái An (tổng hợp)