- Thảo luận về sửa đổi Hiến pháp tại các tổ sáng 6/11, đại biểu QH nêu mong muốn làm rõ nội dung về kiểm soát quyền lực.
Tránh lạm dụng quyền lực
Một nội dung quan trọng được lưu tâm nhiều nhất là “kiểm soát quyền lực”. Một số ĐBQH cho rằng đây là nội dung mới mẻ, song cũng không ít ý kiến e ngại rằng nội hàm của khái niệm chưa rõ ràng cho lắm, e khó thực thi.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo |
Tổng thư ký MTTQ Việt Nam Vũ
Trọng Kim phân tích, quyền lực nhà nước nếu phát huy tốt, ảnh hưởng tốt cho quốc
gia, dân tộc, còn nếu không phát huy tốt sẽ để lại hậu quả... Quyền lực cũng dễ
bị tha hóa và nếu lạm dụng sẽ dẫn đến tham nhũng, lãng phí, vấn nạn cực kỳ nguy hiểm
cho Đảng, dân tộc.
Góp ý về phần “vai trò giám sát”, ông Kim đề xuất cần có một chế định riêng cho
Kiểm toán nhà nước để đảm bảo tính độc lập. Mặt khác, ông cũng đồng tình với các
quan điểm cho rằng Quốc hội nên tổ chức một cơ quan điều tra độc lập về phòng
chống tham nhũng để “làm những điều mà trước nay chưa làm được”.
ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cũng cho rằng, dự thảo Hiến pháp chưa thể hiện rõ
nội dung cụ thể của việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan. Ông Luyến đặt vấn
đề, QH bầu và giám sát các cơ quan song chiều kiểm soát ngược lại chưa có.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thì cho rằng, tuy thể chế chính trị ở VN không phải tam quyền phân lập nhưng cũng phải làm sao phân công quyền lực rõ ràng để việc thực hiện cho tốt, trách nhiệm rõ ràng. Còn hiện nay, hễ hiệu quả công việc kém, nhận lỗi toàn là lỗi tập thể, không quy được đến cá nhân nào.
“Quốc hội nghe có vẻ quyền lực rất lớn nhưng thực tế cũng chưa nhiều. Phải nêu rõ ràng trong Hiến pháp để kiểm soát cơ quan hành pháp”, bà An nói.
Tham gia vào tổ biên tập, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết thêm, chế định kiểm soát chưa rõ, trong khi đó, phải làm rõ việc có phân công có kiểm soát, dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực.
Riêng vai trò Chủ tịch nước được nói cụ thể, rõ ràng hơn.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo giải thích rõ hơn, vai trò của Chủ tịch nước bao trùm lên cả 3 nhánh quyền lực, đại diện tối cao của nhà nước về đối nội, đối ngoại, có một số quyền hành pháp, tư pháp.
Nội hàm đối nội: thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh...
Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ, tất nhiên chỉ họp những vấn đề gắn với quyền hạn chức năng của Chủ tịch nước và khi đó Chủ tịch nước sẽ ngồi ghế chủ tọa.
Theo ông Thảo, việc phân công kiểm soát quyền lực của bộ máy nhà nước ở Trung ương như vậy là khá rõ.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)
nói thêm, việc tăng quyền cho Chủ tịch nước là rất cần thiết. Cũng theo bà, cần
làm rõ cơ chế ràng buộc, kiểm soát quyền lực lẫn nhau.
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
Một vấn đề khác được quan tâm là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Điều 55 Hiến pháp sửa đổi khẳng
định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều
hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình
thức phân phối.
Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.
Theo ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), không cần ghi ai là “chủ đạo” bởi đã nêu rõ định hướng XHCN rồi. Vì thế không nên quy định quá cụ thể.
Ông Ngoạn cũng cho rằng cần xem Kiểm toán nhà nước là một chế định độc lập đủ chức năng, quyền hạn để giúp QH và người dân giám sát tài chính quốc gia.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu ý kiến, không nên liệt kê tên các thành phần kinh tế. ĐB Lan cũng bày tỏ góp ý, không nên ghi rõ thành phần kinh tế chủ đạo bởi chưa biết xu hướng sắp tới sẽ thế nào, ghi như vậy liệu Hiến pháp có còn phù hợp.
Theo ý kiến của ông Đinh Xuân Thảo, thì khái niệm “thị trường” đã mang tính chất đa thành phần rồi, nếu liệt kê cụ thể vào trong Hiến pháp sẽ nhanh chóng bị lạc hậu.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Hiến pháp sửa đổi chỉ nên nêu tên các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, nhằm thể hiện sự bình đẳng và cạnh tranh lẫn nhau trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một số ý kiến khác cũng tán thành quan điểm không nên nêu cụ thể các thành phần kinh tế để tránh tình trạng Hiến pháp lại phải tiếp tục sửa đổi.
L.Nhung - X.Linh - T.Chung -
T.Thủy
Ảnh: L.A.Dũng