- Không ít người dân hiến đất xây trường học, làm đường, chứng tỏ khiếu kiện đất đai nhiều không hẳn do giá đền bù thấp mà là chưa công bằng - ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) chỉ ra khi thảo luận tổ về luật Đất đai sửa đổi chiều 6/11.
Chia sẻ lợi ích với dân
Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn
Văn Phụng: Người nông dân gắn với đất đai, ở sang hơn mà không làm
nông nghiệp thì coi như thất nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng
Sự chưa công bằng này thời gian qua biểu hiện rất rõ. “Từ đất nông nghiệp trở thành đất dự án, đất khu đô thị, giá trị tăng thêm biết bao nhiêu, nhưng khoản lơi nhuận chênh lệch kếch xù đó đều vào túi nhà đầu tư, người dân vô cùng thiệt thòi mà cũng không biết tiền có vào túi Nhà nước không”, ĐB Lê Viết Trường (An Giang) nói.
“Nếu vào túi Nhà nước thực sự thì còn tốt cho ngân sách, nhưng tôi e chỉ vào túi một số người. Trong công cuộc đổi mới này, có những người giàu lên một cách bất thường vì đất đai, dẫn đến sự phân hóa trong xã hội, những bất ổn tiềm tàng trong tương lai”, ông Trường lo ngại.
ĐB Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) không ngần ngại chỉ ra: “Thời gian qua, mức chênh lệch quá cao và mức lợi nhuận quá hấp dẫn này là nguyên nhân khiến nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành chủ yếu vào bất động sản”.
Ông Hiền đề nghị xem xét kỹ mục đích lấy đất nông nghiệp của các dự án, nếu chuyển đổi mục đích khiến giá đất tăng lên thì phải có mức đền bù thỏa đáng cho người mất đất.
Mức giá này, ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đồng ý là do Nhà nước quy định, nhưng kiến nghị tham vấn các tổ chức độc lập, sau đó cơ quan chuyên môn của địa phương rà soát rồi mới trình HĐND quyết định.
“Làm như vậy là khách quan, phù hợp thực tế, chứ chỉ các cơ quan nhà nước với nhau thì sợ không khách quan”, ông Vinh nói.
Các ĐB cũng thấy có nhiều cách để việc thu hồi đất đem lại lợi ích nhiều hơn cho người bị thu hồi. Đà Nẵng là địa phương được nhắc đến nhiều nhất khi nêu gương tốt.
“Đà Nẵng đã làm theo cách khi mở một con đường, ngoài diện tích cho đường, Nhà nước phải mua sâu vào mỗi bên đường 10m, diện tích thêm này được đưa ra đấu giá. Nhiều khi tiền đấu giá được đủ để làm đường, không cần đến ngân sách”, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) chỉ ra.
ĐB Nguyễn Phước Lộc cũng đề xuất thu hồi đất làm công trình giao thông, đường cao tốc có trạm thu phí nên để người dân mất đất có cổ phần; hoặc dự án chung cư cao tầng nên để ra một phần cho người bị thu hồi đất hưởng…
Nhiều ĐB cũng chia sẻ kiến nghị khái niệm “thu hồi đất” chỉ nên dùng cho các trường hợp thực sự cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. “Nếu vì mục đích kinh tế, đô thị hóa thì nên dùng khái niệm “trưng mua”, “trung thu”, “trưng dụng” theo giá thị trường, phù hợp với xu thế chung của thế giới”, ĐB Trần Xuân Vinh nói.
ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) còn cho rằng nên có luật về trưng mua, trưng thu, trưng dụng đất đai.
Từ đó, nhiều ĐB cho rằng trong
các trường hợp lấy đất vì các mục đích thương mại, nhà đầu tư cũng phải gánh chi
phí giải phóng mặt bằng chứ không thể để Nhà nước lo hết, lại dẫn đến đền bù
không thỏa đáng.
Tái định cư không phải trả tiền là xong
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt câu hỏi: “Những người dân trước đây làm ăn trên mảnh đất ở Phú Mỹ Hưng nay thành khu đô thị, họ đi đâu, làm gì, sống như thế nào, chính quyền có biết?”
Nhiều ĐB chia sẻ với ông Lịch những lo ngại và bức xúc về việc hỗ trợ tái định cư. Trong đó, ĐB Lê Viết Trường thấy “dự thảo cho phép nếu không có đất bồi thường thì bồi thường bằng tiền là rất tù mù”.
“Dù ta đất chật người đông nhưng không phải không có đất”, ông Trường nói. “Thái độ trong luật phải rõ ràng - quy định “cứng” thu đất phải trả bằng đất, trừ khi người dân có đơn muốn bồi thường bằng tiền, chứ không nên ép người dân”.
ĐB Trần Xuân Vinh lại chỉ ra: “Hỗ trợ tái định cư không chỉ là chuyện lấy đất trả đất mà phải tính đến sinh kế lâu dài cho đồng bào, thậm chí tính đến cả những giá trị vô hình như văn hóa, lối sống… chứ không thể chỉ bồi thường một lần là xong”.
Theo một báo cáo của Thường vụ QH kỳ trước, nhiều người dân sau khi nhường đất cho những công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, dự án công trình thuỷ điện, thuỷ lợi... đang rất khó khăn trong sinh sống và sản xuất ở nơi mới.
Các thách thức chủ yếu là khả năng phục hồi kinh tế và ổn định cuộc sống diễn ra chậm, kéo dài; quy hoạch, cơ sở hạ tầng ở nhiều khu tái định cư chưa phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân; định mức diện tích đất sản xuất mới thấp hơn nhiều so với đất bị thu hồi; thiếu nước sạch, thiếu trường học, bệnh xá, thiếu các cơ chế giải pháp hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm…
Hay nói ngắn gọn như Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Văn Phụng: “Người nông dân gắn với đất đai, ở sang hơn mà không làm nông nghiệp thì coi như thất nghiệp”.
Giá đất, cơ chế thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư… là những vấn đề nóng nhất trong việc sửa đổi luật Đất đai lần này, là nguyên nhân của hầu hết các vụ khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai mà QH sẽ dành cả ngày mai (7/11) để thảo luận.
T.Chung - X.Linh - T.Thủy