- Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, một trong những giải pháp giải quyết khiếu kiện đất đai là đối thoại với dân, có thể mời luật sư.

Dân muốn biết đích danh ai trục lợi từ đất

Trước QH chiều 7/11, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết đến tháng 10, trong 528 vụ tồn đọng kéo dài có 509 vụ khiếu nại, 19 tố cáo, trong đó khiếu nại về đất đai là 422 vụ, chiếm 79,9 %.

Có những vụ kéo dài đến 50 năm, vài chục vụ 20 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lần, hầu hết các vụ việc có 3-4 quyết định giải quyết hành chính. TP.HCM, Tiền Giang, Bình Phước có số vụ tồn đọng, kéo dài nhiều nhất.


Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh: Tổ chức đối thoại công khai, có thể mời luật sư

Tổng TTCP nói, khó khăn đầu tiên trong việc giải quyết các vụ khiếu kiện tồn đọng, kéo dài này là một số địa phương giải quyết chưa đầy đủ về mặt trách nhiệm. “Vừa qua có hiện tượng đùn đẩy, tránh né, giải quyết không đến nơi đến chốn, kéo dài, vừa gây bức xúc cho người khiếu nại, vừa gây bức xúc cho xã hội”, ông Tranh nói.

Khó khăn thứ hai là yếu tố lịch sử, hồ sơ thủ tục pháp lý không đầy đủ, nhiều vụ để lâu cả chục năm từ thời xây dựng hợp tác xã.

Thứ ba là ở nhiều vụ việc, đã có quyết định của cơ quan chức năng nhưng dân vẫn khiếu kiện, do chính sách bồi hoàn thu hồi đất thời gian sau đảm bảo quyền lợi tốt hơn trước đây, người dân đã nhận bồi thường từ trước cảm thấy thiệt thòi.

Ông cũng cho rằng một số bà con bị kích động, hiểu pháp luật chưa nhiều, khiếu kiện vượt cấp, đông người.

Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết trong thời gian tới, để tập trung chấm dứt khiếu nại, cần có các biện pháp như thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, có sự tham gia của các đoàn thể xã hội và thậm chí là đoàn ĐBQH địa phương.

Tổng TTCP nhấn manh giải pháp “tổ chức đối thoại công khai với người dân, có thể mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho người khiếu nại”.

Địa phương phải làm hết trách nhiệm

Cũng nhắc đến một nguyên nhân của khiếu kiện tồn đọng, kéo dài là trách nhiệm của địa phương, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang chỉ rõ hơn: “Văn bản pháp luật có thể nói là khá đầy đủ, nhưng quá trình tổ chức thực hiện có vấn đề, nhất là việc thu hồi đất của chính quyền các cấp và các cán bộ thực thi công vụ, thi hành pháp luật”.

Đây là một nguyên nhân quan trọng, nếu giải quyết được, tình hình sẽ khác đi, ông Quang nhận định.

Bộ trưởng TN-MT đề nghị các địa phương làm hết trách nhiệm với người dân. “Thực tế có nhiều vụ việc mà địa phương chưa biết người dân đã khiếu kiện lên trung ương, nếu làm tốt từ dưới theo thẩm quyền vấn đề sẽ bớt phức tạp".

Tiếp câu chuyện về trách nhiệm của địa phương, một số ĐB nêu lên nguyên nhân khiếu kiện đất đai xuất phát từ chính quan điểm phát triển kinh tế của địa phương.

ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng thời gian qua, không ít địa phương xác định tập trung vào phát triển công nghiệp bất chấp đó có thể không phải thế mạnh, dẫn đến tâm lý nôn nóng muốn thu hút đầu tư bằng cách thu hồi hàng loạt đất nông nghiệp để dành cho các khu công nghiệp.

“Nhưng do điều kiện chưa đảm bảo hoặc chính sách chưa đủ hấp dẫn, doanh nghiệp không vào, nhiều khu công nghiệp trở thành hoang hóa trong khi người nông dân không có đất sản xuất”, ĐB Hương nói.

Chia sẻ nhận định tương tự, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng khiếu kiện đất đai nhiều là hệ lụy của chính sách trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư tràn lan của các địa phương.

Ông Hồng cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm có vấn đề lợi ích nhóm. “Qua dư luận phản ánh, có tình trạng thỏa thuận ngầm, có việc các doanh nghiệp tác động vào công tác quy hoạch, biểu hiện là ở một số nơi, chính quyền địa phương đứng về phía lợi ích của doanh nghiệp trong thu hồi đất, có những thay đổi chính sách có lợi cho doanh nghiệp, hoặc cố tình chậm giải quyết những khiếu kiện, tố cáo đất đai của dân”, ĐB Bình Dương nói.

Do đó, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đề nghị trong sửa đổi luật Đất đai cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương. “Nếu để xảy ra khiếu kiện đất đai ở địa phương, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Hùng nói.

Chung Hoàng
Ảnh: Minh Thăng