- Thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sáng nay, các ĐBQH đề xuất con các vị lãnh đạo cũng phải kê khai tài sản, đồng thời tịch thu tài sản cố tình che giấu.
Hầu hết ĐBQH đều thống nhất quan điểm rằng kiểm soát được thu nhập người có chức vụ quyền hạn là một trong các công cụ hữu hiệu nhất để phòng chống tham nhũng. Cách kê khai tài sản đang làm hết sức hình thức, không đạt mục đích song việc sửa luật lần này cũng chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri.
ĐB Huỳnh Nghĩa: Tài sản bất minh phải bị tịch thu |
Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nói, lâu nay, do quy định chưa nghiêm minh nên rất nhiều tài sản có giá trị không được kê khai.
Ông Nghĩa đề nghị xây dựng chế tài để buộc cán bộ, công chức phải kê khai tất cả tài sản thuộc sở hữu. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng có quyền tịch thu những tài sản che giấu cố tình không kê khai.
Ông Nghĩa cho rằng cơ quan chức năng nếu thấy việc kê khai của ai đó chưa trung thực thì hoàn toàn có quyền yêu cầu kê khai lại. Sau đó, có thể điều tra nguồn gốc và ra quyết định xử lý, tịch thu và sung công quỹ nhà nước nếu đó là tài sản bất minh. Cần có biện pháp mạnh để chống hiện tượng tẩu tán tài sản.
"Kiểm soát thu nhập của người có chức quyền là công cụ mấu chốt của phòng chống tham nhũng. Nếu không sẽ chỉ là hình thức", ông Nghĩa nói.
Theo ông, năm 2005, QH đã đề nghị Chính phủ xây dựng nghị định kiểm soát thu nhập người có chức quyền, song cho đến nay vẫn "treo". Luật sửa đổi lần này nên quy định luôn. Bởi một trong những yêu cầu quan trọng là phải kiểm soát và làm rõ được nguồn gốc của số tài sản tăng lên bất thường mà không giải trình được.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền còn đề xuất kê khai cả tài sản của con cái lãnh đạo. Ông giải thích, nhiều lãnh đạo có con cái trưởng thành, giỏi giang, song bên cạnh đó cũng không ít con cái của các vị bỗng giàu lên bất thường. Bởi vậy, cần kê khai thêm tài sản các đối tượng này đảm bảo tính nghiêm minh.
Clip phát biểu của ĐB Nguyễn Bá Thuyền:
"Chứ nếu không sẽ giống như trường hợp mà ĐB Dương Trung Quốc từng nói là đọc bản kê khai tài sản của nhiều lãnh đạo mà thấy còn nghèo hơn cả tôi. Trong khi dư luận nói tại sao con cái tiền nhiều thế", ông Thuyền lý giải.
Rất nhiều ĐBQH cũng tán thành với đề xuất trên. Có ĐBQH còn đề xuất phải kê khai cả tài sản của cha mẹ, anh chị em ruột của những người có chức quyền. Trong quá trình sau kê khai, nếu phát hiện vàng, đôla, đất đai còn che giấu thì cơ quan chức năng có quyền tịch thu, sung công quỹ.
Nguy cơ tham nhũng cao nhất là ở... ban chỉ đạo
Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi là việc thành lập cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng. Dự án luật đã bỏ quy định mô hình Ban chỉ đạo hiện nay, thay vào đó chuyển sang cơ quan Đảng. Tuy nhiên, ĐBQH vẫn muốn lập một cơ quan chuyên trách độc lập.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, cử tri rất ủng hộ việc chuyển cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng hiện nay sang bên Đảng. "Vì đối tượng nguy cơ tham nhũng cao nhất nằm ở trong chính ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nên chuyển đổi là hợp lòng dân", ông Thuyền nói.
Ông Huỳnh Nghĩa đề xuất, nên lập một cơ quan điều tra tinh nhuệ đặt dưới sự lãnh đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, hoạt động độc lập, đặc thù riêng, chế độ chính sách riêng.
Một số ý kiến khác đề xuất cơ
quan này phải thuộc QH, song không phải tất cả đều tán thành.
ĐB Mã Điền Cư |
ĐB Mã Điền Cư cho rằng chống tham nhũng là chức năng của Chính phủ còn QH chỉ có chức năng giám sát, không làm thay cơ quan nhà nước.
Chung ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Minh đặt câu hỏi, nếu QH lập một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thì ai sẽ giám sát cơ quan này? Chưa kể, cơ quan chuyên trách có thể lập ở Trung ương, xong về địa phương thì sao?
Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Trần Văn Độ nêu ý kiến khác, cần lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc Trung ương và có cơ sở dưới địa phương, trong đó, các thành viên sẽ được bảo vệ. Quốc hội sẽ quy định chức năng quyền hạn cụ thể cho hoạt động của cơ quan này. "Bởi nếu chỉ để cho các cơ quan tổ chức riêng lẻ hoạt động như hiện nay thì không đủ mạnh để tuyên chiến với tham nhũng", ông Độ góp ý.
Ngoài ra, các ĐBQH cũng đề xuất phải xác lập vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, nhất là với việc bổ nhiệm một số vị trí đặc biệt nhạy cảm. Bên cạnh đó, "cần tạo hành lang pháp lý cho các nhà báo chống tham nhũng. Đảm bảo cho báo chí có điều kiện tác nghiệp tối đa và được bảo vệ khi đưa tin viết bài về tham nhũng", ĐB Bùi Sỹ Lợi nói.
QH tiếp tục thảo luận nội dung này vào buổi chiều.
ĐB Dương Trung Quốc: "Vũ khí" báo chí bị giũa cùn Nhìn lại 7 năm qua, việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả. Kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng ra quân rất hùng hậu, vậy mà khi lâm trận súng nổ rất to mà không sát thương được ai...
...Trong khi thừa nhận phần lớn
vụ việc do báo chí và dân phát hiện, lẽ ra phải khai thác thế mạnh nói trên thì
luật lại bổ sung quy định cơ quan báo chí có trách nhiệm cung cấp nội dung thông
tin cho người đứng đầu Viện kiểm sát, y như ứng xử với người dưới quyền, trong
khi không hề có biện pháp nào bảo vệ an toàn. Lẽ ra phải là sự cộng tác có trách
nhiệm thì lại đưa ra ràng buộc có điều kiện khiến nhà báo cảm thấy tốt nhất đừng
dính vào chống tham nhũng lại tránh được cạm bẫy nguy hiểm. Như vậy, vũ khí sắc
bén là báo chí thay vì mài cho sắc thì nay ta lại giũa cho cùn. |
Nguồn clip: VTV