- Tổng bí thư, Chủ tịch TQ kêu gọi nỗ lực “cải tổ bầu cử trong đảng để tạo lập một quy trình và các điều kiện thể hiện đầy đủ nguyện vọng của cử tri” trong báo cáo tại đại hội đảng.

Một ngày cuối tháng 10, tại nơi sinh hoạt chung của thị trấn Vĩnh Lệ Điền, quận Thông Châu phía đông nam ngoại ô Bắc Kinh, Định Kiến Hoa đã đọc báo cáo công việc hàng năm trước khoảng 5.000 dân làng. Mỗi người đều có bản câu hỏi trên tay để quyết định sự nghiệp chính trị của vị lãnh đạo 53 tuổi.

Lần thứ ba đối mặt trước đám đông, Định nói rằng, ông đã quen với thực tiễn đánh giá công việc của mình mỗi năm. Nếu đa số người dân đánh giá hoạt động của ông “không đạt” trong hai năm liên tiếp, ông sẽ phải từ chức bí thư chi bộ làng Nam Tây cho dù nhiệm kỳ vẫn còn.

Trong sáu năm qua, có 9 bí thư chi bộ làng ở Vĩnh Lệ Điền bị sa thải vì xếp hạng không tốt. Xu thế đẩy mạnh dân chủ ở cơ sở, từ bầu cử trực tiếp tới cơ chế kiểm tra đánh giá đa dạng đã thay đổi căn bản văn hoá chính trị vùng nông thôn Trung Quốc – nơi mà nhiều thế kỷ phong kiến, người dân thường gọi vị lãnh đạo của họ là “quan phụ mẫu”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự cuộc họp thứ hai đoàn chủ tịch Đại hội CPC toàn quốc lần thứ 18 ở Bắc Kinh. Ảnh: THX

Hơn một tuần sau cuộc tập trung ở Vĩnh Lệ Điền, đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 18 ở Bắc Kinh. Trong báo cáo đưa ra về chương trình nghị sự phát triển năm năm tới, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi các nỗ lực tích cực và cẩn trọng để “thực hiện cải tổ cơ cấu chính trị, mở rộng dân chủ của nngwời dân kể cả về quy mô và thực tiễn".

Mặc dù chưa rõ kiểu dân chủ như ở Vĩnh Lệ Điền có áp dụng rộng rãi hay không, nhưng các chuyên gia chính trị được hỏi đều cho rằng, CPC đang chân thành theo đuổi những thay đổi dân chủ và tích cực dù có thể không nhanh chóng xảy ra, nhưng lại có thể được mong đợi sẽ tới.

Tham vấn ra quyết định

"Cốt lõi của cải cách là giúp đảng duy trì vị trí lãnh đạo, tăng cường các quy định của pháp luật và mở rộng dân chủ của người dân”, Lí Tùng Phụ, nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết.

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội CPC toàn quốc lần thứ 18, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành cải tổ cơ cấu chính trị, nhưng không bao giờ sao chép một hệ thống chính trị phương Tây. "Chúng ta phải tiếp tục các nỗ lực tích cực và thận trọng để tiến hành cải tổ cơ cấu chính trị, mở rộng dân chủ”.

Theo các chuyên gia chính trị Trung Quốc, CPC đang tiến hành các cải cách để quá trình ra quyết định được cởi mở hơn thông qua việc tăng cường tham vấn với người dân.

Nghiêm Thụ Sơn, giáo sư trường đảng Trung Quốc cho rằng, báo cáo của ông Hồ Cẩm Đào báo hiệu những nỗ lực thúc đẩy “tham vấn dân chủ”.

Quy định của pháp luật

Một cuộc thăm dò của Tân hoa xã trước đại hội đảng cho thấy, công bằng xã hội chiếm vị trí cao trong “danh sách mong muốn” của người dân Trung Quốc.

"Nếu nhìn vào chi tiết, nền dân chủ ở Ấn Độ, Indonesia hay dân chủ Mỹ, thì thấy họ khác biệt nhau về cách thức. Nhưng những điều cơ bản để xác định dân chủ gồm bầu cử, quy định luật pháp và giám sát là như nhau”, Trịnh Lực, chuyên gia cao cấp tại Viện Brookings ở Washington nói.

Một số chuyên gia khác tin rằng, “những bước đi táo bạo” trong cải cách đang được tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc cân nhắc vì đó là điều cần thiết để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng trong xã hội, nhất là sau vụ Bạc Hy Lai.

"Không một tổ chức hoặc cá nhân nào có đặc quyền vượt qua hiến pháp và pháp luật, không một ai ở bất kỳ vị trí quyền lực nào được đặt mình cao hơn pháp luật hoặc lạm dụng pháp luật”, ông Hồ Cẩm Đào cảnh báo trong phát biểu tại đại hội.

Bầu cử trong đảng

Các chuyên gia chính trị cũng chú ý tới sự nhấn mạnh về cạnh tranh bầu cử trong báo cáo của Chủ tịch Trung Quốc.

Báo cáo kêu gọi các nỗ lực “cải tổ bầu cử trong đảng để tạo lập một quy trình và các điều kiện thể hiện đầy đủ nguyện vọng của cử tri”. Đây là lần đầu tiên, cụm từ này xuất hiện trong một báo cáo 5 năm của CPC.

Nó đề cập tới sự cần thiết của tính cạnh tranh trong ứng cử và bầu cử ở một hệ thống.

Theo các nhà phân tích chính trị, dân chủ trong nội bộ đảng là điều quan trọng vì nó liên quan tới việc ai sẽ trở thành các lãnh đạo CPC và sự lãnh đạo ấy sẽ thế nào.

Mặc dù cạnh tranh trong bầu cử hầu hết diễn ra ở cấp cơ sở, nhưng những năm gần đây đã có ít nhiều dấu hiệu chứng tỏ nó đang được mở rộng ở cấp cao hơn trong hệ thống đảng.

"Cạnh tranh bầu cử đã diễn ra ở một số ít tỉnh như Quảng Đông trong chọn lựa cán bộ đảng của tỉnh năm nay”, Đới Yên Quân, một giáo sư trường đảng nói. "Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ vì bầu cử thực sự là cạnh tranh tự nhiên”.

Trong cuộc họp đoàn chủ tịch diễn ra chiều thứ bảy, các phương pháp bầu cử của Đại hội CPC toàn quốc lần thứ 18 đã được phê chuẩn.

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - tổng thư ký đại hội đã thông báo với đoàn chủ tịch về danh sách đề xuất các ứng cử viên cho các vị trí ủy viên, ủy viên dự khuyết Ủy ban Trung ương CPC 18, và các thành viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương.

Đoàn chủ tịch quyết định gửi danh sách đề xuất cho toàn bộ đại biểu dự đại hội xem xét.



Thái An (tổng hợp từ THX)