Tập Cận Bình đã trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới. Vị phó chủ tịch Trung Quốc 59 tuổi, thăng tiến qua nhiều cấp bậc trong đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), đã được chọn lựa để trở thành lãnh đạo tiếp theo của nước này.

>> TQ: Ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư


Vào năm tới, khi chính thức trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông sẽ chịu trách nhiệm dẫn dắt đất nước với dân số 1,3 tỉ người - hơn gấp bốn lần Mỹ. Khi ông Tập kế nhiệm chức vị của ông Hồ Cẩm Đào - hiện là Chủ tịch Trung Quốc, ông cũng sẽ đứng đầu một quân đội lớn nhất thế giới với 2,3 triệu quân nhân, sở hữu hơn 400 đầu đạn hạt nhân, gần 1.000 tàu hải quân và 5.000 máy bay.

Ẩn số

Mệnh danh là một vị "thái tử", Tập Cận Bình từng phải tới vùng nông thôn lao động trong 7 năm; ông là một quan chức nổi danh thông qua việc tấn công vào hàng loạt vụ tham nhũng ở tầng lớp quan chức cấp cao.

Ông được giới phân tích nước ngoài đánh giá là người có đầu óc cởi mở với cô con gái học Đại học Harvard. Nhưng cũng ít nhất một lần trong chuyến công du tới Mexico năm 2009, ông đã có một phát biểu gây sốc khi trực tiếp buộc tội những người "nước ngoài" đang cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc - một chủ đề luôn rất nhạy cảm trong giới chính trị. Ông bình luận: "Có một số người nước ngoài buồn tẻ, với cái bụng căng tròn, những người chẳng có gì hay ho hơn là chỉ ngón tay vào chúng tôi [Trung Quốc]. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; thứ hai, Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo; và thứ ba, Trung Quốc không đến để gây ra những cơn nhức đầu, có gì phải nói thêm hay không?".

Để viết nên một câu chuyện về cuộc đời phó chủ tịch Tập thật không dễ dàng. Ngược dòng có thể bắt đầu ở Diên An, phía tây bắc Trung Quốc năm 1935 - thời điểm những người Cộng sản đấu tranh giành chính quyền. Cha ông là ông Tập Trọng Huân, một chiến sĩ cách mạng đã giúp đỡ Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác của đảng Cộng sản Trung Quốc để rồi kết thúc một cuộc "trường chinh" nổi tiếng và giành thắng lợi.

Khi những người Cộng sản giành thắng lợi, Tập Trọng Huân tới Bắc Kinh, năm 1952 trở thành người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của đảng - thời điểm 9 tháng trước khi con trai ông là Tập Cận Bình chào đời. Sau này, ông Tập Trọng Huân thăng tiến nhanh hơn, tới vị trí phó thủ tướng. Tuy nhiên, ông Tập Trọng Huân đã bị bắt giam vào thời kỳ Cách mạng Văn hoá 1968.

Ở tuổi 15, Tập Cận Bình được đưa tới lao động cùng với các nông dân trên những quả đồi của tỉnh Thiểm Tây. Ông có 7 năm sống ở làng Lương Gia Hà. Do làm việc chăm chỉ, tích cực, ông Tập đã được bầu làm bí thư đoàn của đại đội sản xuất gồm khoảng 29.000 thanh niên trí thức Bắc Kinh bị đưa xuống Diên An. Tháng 1/1974, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Từ một vị trí khiêm tốn ở Bắc Kinh năm 1979, ông đã thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ chính phủ. Thời gian này, ông đã tham gia một chuyến công tác tới thị trấn Muscatine, Iowa (Mỹ) để nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp. Trong chuyến công du tới Mỹ chính thức đầu năm nay, ông đã trở lại nơi ấy. Người dân địa phương nhớ về ông như một người tận tụy với công việc và rất lịch thiệp.

Khi là phó thị trưởng Hạ Môn, một thành phố duyên hải của tỉnh Phúc Kiến, ông đã đưa ra nhiều biện pháp cải cách kinh tế, khuyến khích đầu tư từ Đài Loan và trở thành lãnh đạo tỉnh. Li Shih-Wei, một doanh nhân Đài Loan từng làm việc với ông Tập nói rằng: ''Ông ấy không có một cuộc sống xa hoa sang trọng. Hiệu quả làm việc của ông ấy rất cao, đó là người khá hiếm hoi trong các vị quan chức mà chúng tôi đã gặp".

"Công việc là ở văn phòng"

Doanh nhân Li cho hay, ông Tập Cận Bình thậm chí còn không thích sự xuất hiện không phù hợp. Khi một nhóm doanh nhân muốn gặp ông tại nhà, ông đã từ chối và nói: "công việc nên làm ở văn phòng".

Là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, Tập Cận Bình góp phần tạo lập tốc độ tăng trưởng 14% cho tỉnh và thực thi đường lối cứng rắn trong chống tham nhũng.

Trên một tờ báo địa phương, ông từng phàn nàn về các quan chức thể hiện "sự kiêu căng của quan lại phong kiến". Ông Tập viết: ''Nếu chúng ta ở cách xa dân, chúng ta sẽ giống như như cái cây bị cắt mất gốc rễ. Quan chức mọi cấp nên thay đổi phong cách làm việc của mình, gần gụi với dân thường, cố gắng tốt nhất để làm những điều tốt đẹp cho dân, bỏ thói kiêu căng và thiết lập mẫu hình tốt cho dân thường".

Khi Bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ bị sa thải tháng 9/2006, vào tháng 3/2007, Tập Cận Bình được bổ nhiệm chính thức làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Cũng trong năm này, ông được bầu là một trong 9 thành viên bộ Chính trị và chịu trách nhiệm cho công tác chuẩn bị tổ chức Olympic. Thế vận hội thành công rực rỡ đã làm vị thế quốc tế của Trung Quốc tăng lên đáng kể, và cũng khẳng định vị trí của ông Tập trong đội ngũ lãnh đạo.

Tuy nhiên, mặc dù tất cả những tiếng vang trên, nhưng ông Tập vẫn không có nhiều người biết tới cho đến khi ông đảm nhận chức vụ phó chủ tịch - một dấu hiệu cho thấy ông là ứng viên sáng giá kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Vợ ông, bà Bành Lệ Viện, 50 tuổi, là người nổi tiếng. Bà là một vị tướng và một trong những ca sĩ nổi tiếng trong nước, bà cũng dẫn đầu đoàn ca múa của quân đội Trung Quốc. "Khi anh ấy trở về nhà, tôi không bao giờ cảm thấy có vị lãnh đạo trong nhà tôi. Trong mắt tôi, anh ấy là chồng tôi", bà Bành từng nói như vậy.

Thái An (theo Canberratimes)