Sau 3 năm triển khai (2007 - 2010), quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thông qua đề án 30 đã đạt được nhiều kết quả, mà theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, mang ý nghĩa cả về kinh tế lẫn chính trị, xã hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trao bằng khen của
Thủ tướng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc thực
hiện đề án 30. Ảnh: Lê Nhung
Khẳng định đây là bước đầu tiên công khai, minh bạch các thủ tục rườm rà lâu nay vẫn gây phiền nhiễu cho dân và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh thêm: "Thủ tục đơn giản, rõ ràng góp phần tạo ra một nền hành chính trong sạch, thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả". Đây được xem là một khâu quan trọng của cải cách thể chế.
"Mục tiêu của chúng ta là tạo dựng một nền hành chính dân chủ, thống nhất, vì lợi ích nhân dân. Thủ tục công khai, minh bạch góp phần chống tiêu cực, những nhiễu và đặt các cơ quan nhà nước dưới sự giám sát của dân", Phó Thủ tướng nói.
Thủ tục đơn giản không chỉ giúp dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn làm trong sạch bộ máy.
Đánh giá cao thành tựu mà những người làm cải cách hành chính đã đạt được trong 3 năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng thời lưu ý công việc này vẫn phải được tiếp tục, nếu không, thủ tục lại đẻ ra thủ tục. Bởi lẽ, đây là đặc quyền, đặc lợi của một số bộ ngành.
"Xã hội luôn luôn biến động, có khi thủ tục mới ra đời lại chồng lấn lên thủ tục cũ. Hôm nay cắt giảm các giấy phép cấp bộ thì ngày mai lại sinh ra thêm giấy phép cấp phường", ông Hùng nhắc nhở.
Theo Phó Thủ tướng, cải cách TTHC thực chất là cắt bỏ đi những quyền lực đang gây cản trở cho phát triển. Thủ tục rườm rà tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, khiến bộ máy không còn trong sạch.
"Do đó, đây là một cuộc chiến khó khăn, cuộc đấu tranh mang tính cách mạng chống lại các lực cản", Phó Thủ tướng so sánh.
Chính phủ khẳng định, kiểm soát TTHC phải được thực hiện thường xuyên, liên tục từ khâu dự thảo đến việc thực thi, qua đó kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa những TTHC không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp.
Trong năm 2011, các bộ ngành sẽ tiếp tục giai đoạn 3 của đề án, đó là hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản cần phải sửa đổi.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đã ban hành quyết định thành lập Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Ông Ngô Hải Phan đảm nhiệm chức Cục trưởng.
"Giao việc" cho Cục kiểm soát hôm nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói: "Nên tiếp tục chung tay với các nhà tư vấn trong và ngoài nước, các đoàn luật sư và cộng đồng doanh nghiệp để phát huy những bài học từ thành công của đề án 30. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát phải có chất lượng cao".
Cục bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2011 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Cơ quan này sẽ giữ vai trò trung tâm kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành, địa phương cả nước. Đồng thời, sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì hoạt động tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn
Xuân Phúc
-
Lê Nhung