Chỉ chưa đến một năm sau ngày Sài Gòn được giải phóng, ban lãnh đạo ngành y tế TP.HCM nhận được một cảnh báo không tin nổi từ một giám đốc bệnh viện: “Tuần sau sẽ không còn ca mổ nào nữa, nếu Sở Y tế không cấp thêm chỉ khâu.”
LTS: Ngày 17.11.2012 vừa rồi, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Thảnh ủy TP Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với Cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà cố lãnh đạo – người đã để lại những dấu ấn lớn trong cả cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước lẫn giai đoạn xây dựng hòa bình, nhất là kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới.
Tuanvietnam xin trân trong giới thiệu một trong những dấu ấn đó, gắn với sự hồi sinh và phát triển của ngành y tế TP. HCM, kể từ sau ngày giải phóng, qua ký ức của Giáo sư - Viện sĩ Dương Quang Trung - nguyên giám đốc Sở Y tế thành phố trong giai đoạn 1976-1997.
Ông
Võ Văn Kiệt thăm Viện Tim TPHCM ngày 31.7.2000 (người ngoài cùng là ông Dương
Quang Trung) |
Hai triệu đô la và ba lần thoát dịch
Giáo sư Dương Quang Trung, người đã hơn hai thập kỷ (1976-1997) giữ cương vị quản lý ngành y tế thành phố, giải thích: “Tại thời điểm sau 1975, chính quyền mới gặp rất nhiều khó khăn, phần vì khủng hoảng kinh tế, phần vì chính sách cấm vận. Ngành y tế thành phố có lúc thiếu đến cả kim chỉ khâu, còn thuốc men thì cực hiếm.”
“Trong lúc chúng tôi gần như đã chấp nhận buông xuôi, thì được trên thông báo sẽ cấp cho hai triệu đô la từ quỹ dự trữ của thành uỷ. Đúng là trời đang hạn gặp cơn mưa rào”, Giáo sư Trung kể tiếp.
Hơn hai phần ba số tiền đó đã được dùng để mua thuốc chữa bệnh, phần còn sắm thêm trang thiết bị, dụng cụ y tế. Cũng nhờ được cấp tiền kịp thời, ngành y tế thành phố đã có được máy City Scan đầu tiên của cả nước, trị giá sáu trăm ngàn đô la, đặt tại Bệnh viện 115.
Cũng trong thời gian đó, thành phố lại liên tiếp bị các dịch bệnh tấn công. Mở đầu là dịch sốt xuất huyết ngay trong năm giải phóng, sang năm 1976 là dịch tả, khiến nhiều người tử vong, và năm tiếp theo là trận dịch hạch…
Nhưng ngành y tế thành phố cuối cùng cũng chặn dịch thành công. Tất cả là nhờ sự chuẩn bị sẵn thuốc men, và dụng cụ y tế, từ số tiền hai triệu đô la đó.
“Người đã ra cái quyết định cứu mạng sống của nhiều người trong những năm đầu hoà bình đó, không ai khác, chính là Phó Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Võ Văn Kiệt”, Giáo sư Trung “bật mí”.
Ông Sáu của Dân
Mạng lưới y tế thành phố sau giải phóng, nói chung, có xuất phát điểm khá thấp. Cả cái đô thị lớn nhất Việt Nam này chỉ có một bệnh viện lớn được trang bị tương đối đầy đủ là Bệnh viện Grand (sau đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2). Còn ở Bệnh viện Bình dân, tuy có đội ngũ giáo sư, bác sĩ trình độ cao, nhưng lại thiếu trang thiết bị hành nghề.
“Năm 1977 được coi là thời điểm khó khăn nhất của nền y tế thành phố. Cũng lúc đó, ông Sáu Dân lại xuất hiện”, Giáo sư Trung nói.
Ông Sáu Dân đã chủ trương xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, từ dân đi lên. Do khó khăn về tiền bạc, ngành y tế phải đi vận động bà con và cán bộ, chấp nhận những sự hy sinh nhất định. Thành phố đã đi đầu làm thí điểm mô hình cán bộ y tế phường xã, mỗi phường xã có 3-5 người được hưởng lương.
“Dù lương còn xa mới đủ sống, nhưng người ta làm việc rất nhiệt tình. Họ hãnh diện vì được góp sức với ông Sáu giúp dân”, Giáo sư Trung giải thích.
Một quyết định quan trọng khác của ông Võ Văn Kiệt, theo Giáo sư Trung, là việc kiên quyết giữ lại bệnh viện dành cho người già và các cháu thiếu nhi.
Sau giải phóng, có chủ trương cải tạo, rồi chuyển Bệnh viện Y học Dân tộc thành bệnh viện phục vụ cán bộ. Tuy nhiên, Phó Bí thư Võ Văn Kiệt đã nêu quan điểm của mình: “Tôi không muốn lấy bệnh viện của người dân làm bệnh viện của cán bộ.”
Cuối cùng, khi việc cải tạo bệnh viện này được hoàn thành, nó vẫn giữ nguyên chức năng cũ.
Sau đó, Trung ương lại quyết định lấy bệnh viện Nhi Đồng 2, nơi có toà nhà 4 tầng và khuôn viên rộng đẹp, rộng 9 héc ta, làm bệnh viện cho cán bộ. Đổi lại, Bệnh viện Thống Nhất, đang chữa trị cho cán bộ, sẽ chuyển thành bệnh viện nhi đồng.
“Những gì tốt nhất phải được dành cho trẻ em”, Phó Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt lại một lần nữa lên tiếng.
Lãnh đạo thành phố cũng lại một lần nữa kiến nghị Trung ương xem xét lại quyết định. Cuối cùng, Trung ương cũng nghe ra, và Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn ở nguyên chỗ cũ, cho đến tận bây giờ.
Ông
Võ Văn Kiệt chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo của Viện Tim TP.HCM – được thành lập
với sự ủng hộ mạnh mẽ và gợi ý sáng suốt của ông là phải liên kết với nước
ngoài (Pháp)
Cái tâm đối với trí thức chế độ cũ
Cũng trong giai đoạn đó, bên cạnh những thành công kể trên, ngành y tế thành phố lại chịu một tổn thất lớn. Chỉ trong hai năm (1976-1978), xấp xỉ một ngàn bác sĩ và dược sĩ giỏi đã lần lượt bỏ nước ra đi.
“Ông Kiệt đã mời tôi lên gặp tại Văn phòng Thành uỷ để nghe báo cáo tình hình. Vẫn chưa yên tâm, sau đó, ông còn chủ động xuống Sở Y tế, tại 175 Hai Bà Trưng, để tìm hiểu cho cặn kẽ”, người đứng đầu ngành y tế thành phố thời đó kể lại.
Tại Sở Y tế lúc đó, điện nước khó, chín giờ đêm là đã cúp điện. Thế nhưng, dưới ánh đèn dầu, ông Kiệt vẫn cùng lãnh đạo ngành y tế thảo luận thâu đêm, chỉ để trả lời một câu hỏi: Làm thế nào giữ chân được đội ngũ chuyên gia y dược này?
Vị lãnh đạo ngành y tế đã giải thích với vị lãnh đạo Đảng và Chính quyền thành phố: “Người ta đi không phải vì người ta chống đối mình. Phần lớn là do cuộc sống khó khăn quá, chịu không thấu, thôi anh ạ.”
Ông Kiệt đã ngồi thừ ra hồi lâu, trước khi đứng dậy ra về, Giáo sư Trung nhớ lại.
Ít lâu sau, Sở Y tế đã bất ngờ nhận được một quyết định của Thường vụ Thành uỷ: Cán bộ y tế được phép mở phòng mạch, làm ngoài giờ!
“Hồi đó, đâu ai dám dùng chữ làm tư, như bây giờ”, Giáo sư Trung giải thích.
Sau này, Giáo sư Trung được biết thêm, để ra được quyết định này không hề đơn giản, bởi, ngay trong nội bộ Thành uỷ, ý kiến cũng rất khác nhau. Rồi ra Trung ương cũng vậy, nếu không nói là phức tạp gấp bội. Nhưng, cuối cùng, thành phố vẫn là đơn vị hành chính duy nhất trong cả nước được phép thí điểm mô hình này.
“Ông Kiệt không chỉ giỏi trong việc giữ người, mà còn rất mạnh dạn trong việc trọng dụng nhân tài. Bất kể là người ngoài Đảng, hay người của chế độ cũ. Chỉ có dưới thời ông làm lãnh đạo (đến năm 1982) thành phố mới dám dùng những ông ngoài Đảng làm giám đốc, phó giám đốc bệnh viện”, Giáo sư Trung nói tiếp.
Những cái tên Giáo sư Trung còn nhớ có Nguyễn Chấn Hùng, Trần Tấn Trâm, Nguyễn Hải Nam, Trần Thành Trai, Văn Tần.
“Nhưng quyết định dữ dằn nhất của lãnh đạo thành phố dưới thời ông Sáu Dân là bổ nhiệm cả sỹ quan quân y của quân đội Việt Nam Cộng hoà làm giám đốc bệnh viện”, Giáo sư Trung gật gù nhớ lại.
Đó là Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, nguyên sĩ quan cấp tá, được bổ nhiệm là Giám đốc Bệnh viện An Bình (dành cho người Hoa). Hay Dược sĩ Trần Văn Nhiều, nguyên Đổng lý Văn phòng Phụ tá Đặc biệt của Tổng trưởng Y tế, được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Dược…
Những trí thức trong ngành y dược này đã không phụ lòng ông. Họ đã cống hiến cho thành phố rất nhiều, và không chỉ vì lương tâm nghề nghiệp. Chắc trong sâu thẳm trái tim, họ cũng muốn tri ân sự tin tưởng của ông dành cho họ.
Thậm chí, có những người sau này còn được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, như BS Nguyễn Chấn Hùng, BS Văn Tần, hay DS Trần Văn Nhiều.
“Việc thí điểm thành lập công ty cổ phần dược nói trên, đầu tiên trong cả nước, do một số anh em trí thức góp vốn, nếu không có ông Kiệt ủng hộ mạnh mẽ, tôi dám chắc rằng sẽ không thực hiên được. Bởi thời điểm này, khái niệm tư nhân, kinh tế tư nhân, là rất lạ lẫm và khó chấp nhận”, Giáo sư Trung giải thích thêm.
Giáo sư Trung hiểu rằng, để làm được những việc, có thể nói là “động trời”, đó, ông Kiệt đã phải đánh cược cả “uy tín chính trị” của mình. Thuyết phục Thành uỷ, rồi đến thuyết phục Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, đâu phải là chuyện ngày một ngày hai. Nhất là trong bối cảnh của cuộc đấu tranh “ai thắng ai”, giữa đường lối phát triển xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, trên mảnh đất vừa thống nhất này.
Bà đỡ cho những ý tưởng mới
Khi đã ra ngoài Trung ương, kể từ năm 1982, ông Võ Văn Kiệt vẫn quan tâm đến những gì diễn ra ở thành phố, và vẫn có những sự ủng hộ, động viên, hay góp ý cần thiết. Sự ra đời của Viện Tim thành phố là một minh chứng.
Giáo sư Trung kể rằng lúc ông và các đồng nghiệp đưa ra ý tưởng xây một viện tim ở thành phố, số người phản đối còn nhiều hơn số người ủng hộ. Mặc dù, ai cũng biết là một đô thị lớn nhất nước này không thể không có một viện tim.
Lý do lần này, ngoài chuyện thiếu tiền muôn thưở, còn là lý do chuyên môn – kỹ thuật và đào tạo đội ngũ bác sĩ về tim không phải là điểm mạnh của thành phố, nhất là so với Hà Nội.
Trong một lần về thăm thành phố, ông Kiệt, Giáo sư Trung không nhớ còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hay đã lên Chủ tịch HĐBT rồi, đã ghé thăm Sở Y tế. Nghe chuyện, ông gợi ý ngay: “Sao không tìm cách hợp tác, liên kết với nước ngoài mà làm? Vừa có tiền, vừa học được chuyên môn.”
Viện Tim đã ra đời năm 1992, trên cơ sở sự liên kết giữa ngành y tế thành phố và Hiệp hội Y tế Pháp. “Qua hai thập kỷ hoạt động, viện tim đã chứng tỏ rằng mô hình liên kết với nước ngoài là một hướng đi đúng. Viện đã được chuyển giao kỹ thuật cao, và chăm sóc rất tốt cho người nghèo.”
Giáo sư Trung còn kể rằng, không lâu trước khi mất, ông Kiệt đã tâm sự với ông: “Ngành y tế là lo cho con người từ khi còn trong bụng mẹ đến khi ra nghĩa địa, nên nếu Nhà nước lo không xuể thì phải huy động lực lượng và vốn nhà rỗi từ bên ngoài xã hội.”
Đó là lần đầu tiên Giáo sư Trung đón nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại nhà riêng. Ông Kiệt tìm đến để bàn cách triển khai ý tưởng thành lập một viện nghiên cứu phát triển sức khoẻ cộng đồng. Từ cuộc bàn bạc giữa hai ông già đã nghỉ hưu đó, tháng 10.2008 viện này được thành lập do Giáo sư Dương Quang Trung làm viện trưởng.
“Tôi và chị Hiếu Dân (con gái ông Kiệt) đang triển khai xây dựng một bệnh viện kỹ thuật cao, như tâm nguyện của ông Sáu Dân trước khi ra đi. Đó cũng là một phần nhỏ nhoi trả cái ân tình mà anh Sáu đã dành cho dân, trong đó có cả tôi”, vị giáo sư già nghẹn giọng trong sự hồi tưởng về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
- Thái Thiện – Thanh Huyền