LTS: Từ ngày ra đời, VietNamNet luôn luôn được sự quan tâm của các lãnh đạo, trong đó có nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Văn hoá – Tư tưởng, một trong những nhà báo lão thành, dày dạn kinh nghiệm. Sự cộng tác nhiệt tình của ông không chỉ góp phần làm nên vị thế của tờ báo trong xã hội mà còn trao lại cho các phóng viên trẻ của VietNamNet những kinh nghiệm về mảng đề tài chính luận được bạn đọc rất quan tâm. Đây là bài viết của nhà báo Hữu Thọ nhân kỷ niệm 15 năm báo VietNamNet.

VietNamNet là một trong những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất ở nước ta, nằm trong số hơn 40 tờ báo và tạp chí điện tử có số người truy cập nhiều nhất, có thời gian khá dài luôn chiếm vị trí đầu bảng. Có thể nói ngày nào tôi cũng dành ưu tiên hàng đầu trong thời gian lên mạng để vào trang VietNamNet, VnExpress và một số ít trang báo khác. Tất nhiên khi truy cập không ai có thời giờ đọc hết các trang, các bài, chỉ tìm những tin mới, bài có ý nghĩa cần đọc.


Một tờ báo được nhiều người quan tâm khi có nhiều tin mới và có những bình luận, nghiên cứu sắc sảo, có ý kiến riêng về những vấn đề mà xã hội quan tâm. Tôi cũng như một số độc giả thích VietNamNet chính vì lẽ đó. Với tôi, thường thường ngày nào trên VietNamNet cũng có những tin bài cần đọc, đặc biệt trên Tuần Việt Nam có những bài làm rõ thêm hoặc nghiên cứu, phản biện về một vấn đề, một chủ trương, chính sách nào đó.

Là người đọc báo nhưng tôi cũng tự nhận là cộng tác viên của báo. Không thể nhớ đã cộng tác với VietNamNet bao nhiêu lần, nhưng cũng có những lần đáng nhớ.

Còn nhớ trong quá trình tham gia góp ý chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, trong buổi làm việc với phóng viên Lê Nhung của báo về vấn đề rất tế nhị là "Nguy cơ của Đảng cầm quyền và vấn đề dân chủ trong Đảng", tôi đã đề cập tới ba vấn đề:

"Thứ nhất, lãnh đạo mà để kinh tế chậm phát triển, trì trệ, đời sống nhân dân không được nâng cao, thậm chí suy giảm; Thứ hai, không thực hiện dân chủ và công bằng trong đánh giá cán bộ, sử dụng con người cũng như trong phân phối lợi ích, để khoảng cách giàu - nghèo quá xa, gây bất ổn xã hội; Thứ ba, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, lợi dụng quyền hành để phung phí công quỹ, tức tiền thuế của dân" - Đó là những nguy cơ đe dọa vị trí cầm quyền của Đảng.

Bài trao đổi ý kiến đó được đăng trên Tuần Việt Nam ngày 1/2/2010, sau đó tôi cho in trong cuốn sách của tôi có tên "Chia sẻ". Thật ra tôi đã công khai hóa một số ý kiến góp ý trong nội bộ Đảng khi được hỏi ý kiến. Bây giờ đọc lại, so với những gì mà Đại hội XI (đầu năm 2011) nêu những nguyên nhân làm cho uy tín của Đảng trong nhân dân bị giảm sút thì thấy, về cơ bản, VietNamNet đã nêu ý kiến của cộng tác viên từ một năm trước, cũng có thể coi là một đóng góp nhỏ với Đảng.

Trong sự phát triển nghiệp vụ báo chí có hình thức giao lưu trực tuyến mà tôi thường được một số bạn đồng nghiệp mời tham gia. Tôi nhớ là vào cuối năm 2001, trên VietNamNet, tôi được mời giao lưu với Tổng Biên tập, lúc đó là ông Nguyễn Anh Tuấn, một Tổng Biên tập giỏi nghề và dám chịu trách nhiệm chung quanh việc triển khai chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Nhưng có lẽ cuộc giao lưu đáng ghi nhớ là cuộc trao đổi ý kiến tay ba với ông Võ Văn Thưởng, nhà văn trẻ Việt Hà chung quanh thế hệ trẻ với chủ nghĩa yêu nước. Đã tham gia giao lưu nhiều lần nhưng lần này tôi khá hồi hộp vì MC là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một người khá thẳng thừng, hay đưa ra những câu hỏi bất ngờ và gai góc. Cuộc trao đổi khá dài, tới hơn 3 giờ đồng hồ.

Khi nhắc lại cuộc trao đổi ý kiến này, nhiều bạn đồng nghiệp hay nhắc lại những ý kiến của tôi khẳng định "Không bao giờ được nghi ngờ lòng yêu nước của thanh niên", nêu công khai một số khái niệm và nội dung mới về xâm lược, như "cùng với việc bảo vệ biên giới trên đất liền, ngoài biển cần chú ý tới cuộc đấu tranh với 'biên giới mềm', là sự xâm lăng về kinh tế và văn hóa".

Đặc biệt, Hoàng Văn Dzư nói với tôi: "Trong giao lưu, ông nói "Nếu chống tham nhũng không thành công thì khó mà giáo dục lớp trẻ", nghe rất đúng nhưng động chạm đấy!". Thực ra sau buổi trao đổi ý kiến đó cũng không có ai "động chạm" tới tôi, có thể họ không bằng lòng nhưng quan trọng là tôi nói cơ bản đúng, được nhiều người đồng tình.

Với VietNamNet, tôi không chỉ làm việc, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với ông Nguyễn Anh Tuấn mà còn làm việc với Tổng Biên tập Bùi Sĩ Hoa, nhà báo Phong Doanh, với nhiều thế hệ phóng viên của báo như Lê Thọ Bình, Lương Bích Ngọc, Lê Nhung, Thu Hương... đều là những người có năng lực tiếp cận nghiệp vụ hiện đại, sắc sảo, dám xông thẳng vào các vấn đề gai góc.

Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, báo chí phải đổi mới với vai trò tiên phong, nhưng đổi mới lại là chuyện không dễ dàng, cuộc chiến cho cái mới mẻ ra đời là "cuộc chiến đấu khổng lồ" như Bác Hồ đã nói.

Trong cuộc trao đổi với Lê Thọ Bình lúc anh là phóng viên của VietNamNet tôi đã nhắc lại ý kiến của mình về lịch sử tiến hóa của loài người, khi con người từ chỗ đang bò lê đã đứng thẳng trên đôi chân như một sự tiến hóa lớn lao để trở thành "người thông minh" thì đồng loại lại coi là dị chủng và xúm vào tiêu diệt. Phải có hàng vạn "con" hoặc hơn thế dám đứng thẳng bị tiêu diệt thì sự tiến hóa "đứng dậy" đó mới được công nhận, để nói rằng sự đổi mới, tiến hóa đòi hỏi sự hy sinh lớn thế đấy. Bài trao đổi ý kiến về "Người tài không biết tự bảo vệ mình" có nhiều tâm sự có phần gai góc mà chuyện "người đứng thẳng" chỉ là một chi tiết. Không biết vì lý do gì mà anh bạn lại ký tên khác là Hà An đăng trên Tuần Việt Nam ngày 24/8/2005.


Kể lại một số kỷ niệm mà phải nói về mình là điều không hay, nhưng nhân dịp 15 năm của VietNamNet, tôi chỉ muốn nhắc tới những kỷ niệm tốt đẹp khi tiếp xúc, làm việc với đội ngũ phóng viên, cộng tác viên nhất là người phụ trách có năng lực, có tâm huyết, có trách nhiệm, dám đổi mới đã làm nên thương hiệu VietNamNet đứng vững trong lòng bạn đọc.

Đã dám làm, dám xông xáo thì thế nào cũng có lúc sẩy chân nhưng mong muốn của chúng tôi là VietNamNet đừng vì thế mà nhụt chí, nhất là trong việc tham gia đấu tranh chống tiêu cực và tham gia phản biện trung thực theo yêu cầu của Đảng, làm cho tờ báo ngày càng có uy tín với người đọc và bổ ích với xã hội.

Hữu Thọ