- Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng 19/11 tại TP.HCM.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu, trong đó có khoảng 100 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ, gần 30 đại diện Ngoại giao đoàn tại Việt Nam; và các học giả, đại biểu Việt Nam.

Các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: Tá Lâm

Kéo dài đến ngày 21/11, hội thảo có 10 phiên thảo luận theo những chủ đề riêng rẽ: địa chính trị Biển Đông, những diễn biến gần đây trên Biển Đông, chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại trong vấn đề Biển Đông, hiện đại hóa quân sự và tác động, lợi ích và chính sách của các cường quốc ngoài khu vực, Biển Đông trong quan hệ ASEAN - Mỹ - Trung Quốc, các khía cạnh pháp lý, đánh giá thực trạng và xu thế hợp tác khu vực trên Biển Đông, cơ chế giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột và hướng giải pháp, kiến nghị chính sách nhằm tăng cường an ninh và hợp tác ở Biển Đông.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng, Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. Sự phức tạp ấy đang gia tăng do những biến chuyển của tình hình nội bộ nhiều nước, những biến chuyển của tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh, tranh chấp khu vực biển; các vấn đề an ninh phi truyền thống như cướp biển, ô nhiễm môi trường biển, sự xuống cấp của các nguồn hải sản; biến đổi khí hậu… đang ngày càng nghiêm trọng.

“Chúng ta đã vài lần phải “nín thở” trước tình hình leo thang căng thẳng, xung đột nóng chỉ còn trong gang tấc”, ông Quý nói, đồng thời đề cập, trong bối cảnh tình hình càng diễn biến phức tạp, cần phải có nỗ lực hơn, đồng thời cần phải tìm ra các phương cách hiệu quả hơn để đưa các kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị chính sách đi vào cuộc sống.

"Biển Đông căng thẳng đã làm xói mòn lòng tin, tạo nên mảnh đất màu mỡ để nghi kỵ phát triển. Điều này không có lợi cho bất cứ bên nào”, ông Quý khẳng định.

Theo ông Quý, thời gian qua đã có những nỗ lực vượt bậc của các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp, góp phần vào việc ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác để Biển Đông tiếp tục là khu vực hòa bình. Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC), ASEAN và Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận về việc xúc tiến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Ông Quý chờ đợi các học giả nghiên cứu về Biển Đông, thông qua việc công bố các kết quả nghiên cứu hay các phát biểu chính kiến, sẽ giúp công luận hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp, căng thẳng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách tính toán kỹ hơn lợi ích của dân tộc trước khi đưa ra quyết định liên quan đến Biển Đông.

Trong bản tham luận gửi tới hội thảo, Giáo sư Su Hao, Đại học Ngoại giao Bắc Kinh (Trung Quốc) đưa ra nhiều lý giải về nguyên nhân dẫn tới các căng thẳng trên biển Đông ngày càng trở nên phức tạp, nóng bỏng.

“Sau một chu kỳ của “cuộc chơi” đang diễn ra ở Biển Đông, các bên liên quan cần nhận thức rõ về lợi ích quốc gia cơ bản của mình để đảm bảo sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội và xa hơn là duy trì hòa bình và sự phát triển của khu vực, thay vì gây ra các căng thẳng như hiện nay” - ông nhấn mạnh.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông là diễn đàn khoa học nhằm trao đổi các nghiên cứu, thảo luận từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông, lợi ích của các bên liên quan, về những sự kiện xảy ra trên Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm qua.

Thông qua các trao đổi này, các học giả sẽ đề xuất những kiến nghị cho Chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp tới tranh chấp để tăng cường hợp tác, ngăn ngừa và kiểm soát xung đột, kiểm soát khủng hoảng ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, các học giả, chuyên gia cũng đề xuất các kênh, các phương cách để các nghiên cứu học thuật, các trao đổi học thuật tác động tích cực hơn tới công chúng, giúp ích nhiều hơn cho các nhà lãnh đạo trong các quyết sách của họ liên quan đến Biển Đông.

Tá Lâm