- Tiếp tục thảo luận dự thảo luật Đất đai sửa đổi chiều 19/11, nhiều ĐBQH đề nghị thay hình thức thu hồi đất bằng hình thức trưng thu, trưng mua trong một số trường hợp, và mở cho những thương lượng, thỏa thuận dân sự liên quan đến đất đai.

Chính danh để giảm tiêu cực

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị dự thảo luật thừa nhận quyền sử dụng đất đai với tư cách quyền về tài sản cho công dân.

"Ta chưa thừa nhận thì trong thực tế, các hoạt động mua bán, trao đổi, chuyển nhượng đất đai như là tài sản đã diễn ra rồi, song do chưa chính danh nên dẫn đến không ít bất minh, khúc mắc, tiêu cực, do đó ta nên thừa nhận để dân được chính danh trong các hoạt động trên", ông Lai nói.

ĐB Nguyễn Thị Hải

ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cũng đồng ý quyền sử dụng đất phải được đối xử như quyền tài sản của công dân. Bà đồng ý với nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, song cho rằng các quyền của nhà nước đối với đất đai như quy định trong dự thảo là quá rộng, không phù hợp với Hiến pháp và thông lệ quốc tế.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đồng tình: "Phạm vi quyền định đoạt của Nhà nước là quá lớn, các quyết định hành chính rất nhiều, nhưng các cơ chế giám sát thì lại chưa đầy đủ, Chính phủ cần cân nhắc điều này".

Bên cạnh những băn khoăn về thẩm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về đất đai, các ĐB cũng muốn có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các vi phạm.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) chỉ ra 4 loại sai phạm mà chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra: sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng, sai thẩm quyền và sai trình tự, thủ tục hồi đất. Ông Vở nhấn mạnh chính những sai phạm này trong quản lý nhà nước về đất đai là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện và xung đột thời gian qua.

Bớt "thu hồi"

Việc Nhà nước có quá nhiều quyền trong thu hồi đất đai được ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) chỉ ra cụ thể: Pháp luật hiện hành đang quy định Nhà nước thu hồi đất trong 3 trường hợp: một là cho mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội; hai là do vi phạm pháp luật; ba là do chấm dứt hợp đồng theo pháp luật và tự nguyện.

Xem clip phát biểu của ĐB Bùi Sỹ Lợi:


Ông Nam cho rằng cơ chế thu hồi đất chỉ nên áp dụng với trường hợp hai và ba, đối với trường hợp thứ nhất, nên áp dụng cơ chế nhà nước trưng mua, như Hiến pháp đã quy định và phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Trên thực tế, nhà nước đã thu hồi nhưng phải bồi thường theo giá thị trường thì thực chất phải mua quyền sử dụng đất theo giá thị trường nhưng nhà nước lại áp đặt giá, từ đó mâu thuẫn với khái niệm thị trường", ông Nam nói.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đồng tình hạn chế tới mức tối đa cơ chế thu hồi đất, tăng cường mở rộng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất, "vì giá khi trưng mua quyền sử dụng đất khác giá bồi thường khi nhà nước thu hồi".

Theo ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre), bên cạnh việc trưng mua, trưng thu, có thể áp dụng cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất đối với các giao dịch vừa và nhỏ. ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đồng tình vì "sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng".

ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) còn nói tới khả năng xây dựng quỹ đất sạch để đấu giá.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi chia sẻ với các đề nghị trên: "Nên thu hẹp mức độ Nhà nước phải thu hồi đất mà để mở cho các thương lượng, thỏa thuận dân sự, không nên có sự ép buộc với người sử dụng đất".

Ông Lợi cũng nhấn mạnh các thủ tục thu hồi đất phải minh bạchh, công khai, người dân được tham gia ý kiến: "Ta nên xác định thống nhất là việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi đã giải quyết xong tất cả các thủ tục, cơ bản là sẽ không phát sinh khiếu kiện".

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng
Nguồn clip: VTV