4 lĩnh vực chính của chuyển đổi kinh tế mà ông Lý Khắc Cường - người được cho là sẽ kế nhiệm vị trí thủ tướng Ôn Gia Bảo đầu năm 2013 - theo đuổi, sẽ được sử dụng để góp phần cải tổ nền kinh tế Trung Quốc trong thập niên tới.
>> 7 gương mặt trong Thường vụ Bộ chính trị TQ
>> Lãnh đạo TQ đối mặt thách thức chưa từng thấy
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Ôn Gia Bảo đầu năm tới. Ảnh: scmp |
Ông Lý Khắc Cường đang đẩy mạnh một chiến lược có tên “bốn hiện đại hóa mới”, nhấn mạnh vào các khu vực trọng điểm mà Trung Quốc có kế hoạch tập trung nhân tài vật lực trong cải tổ kinh tế tương lai.
Ông Lý đã nhấn mạnh mục tiêu của “bốn hiện đại hóa mới” ở một cuộc họp tổ tại đại hội toàn quốc lần thứ 18 đảng Cộng sản Trung Quốc tuần trước. “Bốn hiện đại hóa mới” đề cập tới sự thúc đẩy của Bắc Kinh cho phát triển công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp thập niên tới. Trong khi từ ngữ đưa ra có vẻ trìu tượng, thì cụm từ “bốn hiện đại hóa” không còn xa lạ với các nhà phân tích Trung Quốc.
Những mục tiêu tương tự do các cựu lãnh đạo Trung Quốc đưa ra đã định hình mỗi giai đoạn chuyển đổi kinh tế trọng yếu của nước này trong quá khứ.
Trong những năm 1960, Thủ tướng Chu Ân Lai là người đầu tiên kêu gọi tiến hành hiện đại hóa trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học và công nghệ. Cuối những năm 1970, sau cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình sử dụng cụm từ này một lần nữa, gắn theo cùng chi tiết mới là gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân tính theo đầu người lên 1.000 USD vào cuối thế kỷ 20. Trung Quốc từ đó tăng trưởng vượt bậc, và hiện nay nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bình quân GDP theo đầu người vượt quá 5.000 USD, vượt xa mục tiêu của Đặng Tiểu Bình.
Cụm từ “bốn hiện đại hóa mới” lần nữa được dùng vào năm 2005 đề cập tới công nghiệp hóa, thị trường hóa, quốc tế hóa và đô thị hóa. Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường lại dùng cụm từ này để giải quyết các thách thức mới mà Trung Quốc phải đối mặt.
Ví dụ, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mà không còn có thể trông chờ nhiều vào lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ khi dân số ngày một già hóa. Sự sụt giảm nhân khẩu trong lực lượng lao động đã ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của Trung Quốc so với các quốc gia mới nổi như Ấn Độ hay Mexico nơi nguồn nhân công trẻ trung hơn, giá lao động thấp hơn.
Dân số già hóa cũng như hàng loạt vấn đề nảy sinh như mở rộng công nghiệp quá mức, gia tăng ô nhiễm môi trường… đồng nghĩa với việc sự chuyển đổi trong mô hình tăng trưởng là không thể tránh khỏi, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu tài chính JP Morgan. "Các nhà lãnh đạo mới có thể đặt trọng tâm chiến lược vào đô thị hóa, đổi mới và nâng cấp ngành công nghiệp, giảm bớt bất bình đẳng trong thu nhập và mất cân bằng khu vực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện và bền vững thập niên tới”, báo cáo cho biết.
Mô tả các mục tiêu hiện đại hóa là “rất truyền cảm hứng nhưng không bao giờ dễ dàng đạt được”, Lý Nghi Trung - cựu bộ trưởng công nghiệp và công nghệ thông tin cho rằng, Trung Quốc đang ở giữa “một giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa” sau một thế kỷ phát triển. Cốt lõi của công nghiệp hóa sẽ là đổi mới, một mục tiêu rất cần sự hỗ trợ lớn từ chính phủ, ông Lý khẳng định.
Theo ông, Bắc Kinh nên gia tăng chi tiêu tài chính hàng năm cho việc nâng cấp công nghệ, lên khoảng 30 tỉ nhân dân tệ (gần 5 tỉ USD) bắt đầu từ năm tới so với mức 22,8 tỉ nhân dân tệ năm nay. Còn Barry Naughton, giáo sư ĐH California, San Diego thì cho rằng, đô thị hóa “là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Trung Quốc, thậm chí càng trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn tăng trưởng hiện tại của nước này”.
Thái An (theo South China Morning Post)