- Theo luật Thủ đô vừa được QH thông qua chiều nay (21/11), có một số trường hợp chỉ được đăng ký thường trú ở nội thành sau khi đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên.
Cụ thể, công dân thuộc các trường hợp về ở với người thân trong gia đình, đến làm việc tại các cơ quan nhà nước và có chỗ ở hợp pháp ở nội thành, người từng thường trú ở nội thành nay trở lại, được đăng ký theo quy định của pháp luật về cư trú.
Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội ấn nút thông qua luật Thủ đô. Ảnh: Minh Thăng |
Các trường hợp khác nếu đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê, sẽ được đăng ký thường trú.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, đây là điểm các ĐB quan tâm thảo luận nhiều nhất tại các phiên họp tổ và tại hội trường. Thường vụ QH đã phát phiếu xin ý kiến và 289/363 ĐB tán thành quy định này.
Biểu quyết điểm này (điều 19 trong dự thảo luật) tại hội trường hôm nay, các ĐB tán thành với tỉ lệ 69,48%. Toàn bộ dự thảo luật được biểu quyết thông qua với tỉ lệ 75,7%.
Một điểm gây tranh cãi khác là quy định cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải, đã được đưa ra khỏi dự thảo luật. Các mức thu phí cụ thể sẽ do HĐND thành phố quy định theo pháp luật phí và lệ phí hiện hành.
HĐND Hà Nội cũng được phép quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.
Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác được áp dụng cho các thời kỳ ổn định từ 3 đến 5 năm. Thủ đô được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật.
Thủ đô cũng được sử dụng các khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán, trừ các khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước và thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô.
Biểu tượng của Thủ đô được xác định là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.
Chung Hoàng