Đan Mạch, cùng với Đức, Italy, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ được đánh giá cao trong việc thực thi lệnh cấm hối lộ nước ngoài trong Báo cáo Tiến trình 2010 Công ước chống hối lộ của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD). Báo cáo này do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đưa ra.

LTS: Còn 3 tháng nữa là hết hạn gửi bài dự thi "Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI)" do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức.

Với chủ đề năm nay: Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả, VACI xác định và hỗ trợ trực tiếp các ý tưởng sáng tạo có tiềm năng phát triển ở cấp địa phương, qua đó tiếp tục nhân rộng trong cộng đồng. Chương trình cũng tạo cơ hội cho các chủ sáng kiến gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, chia sẻ thông tin...

VietNamNet giới thiệu loạt bài về những sáng kiến, công cụ phòng chống tham nhũng trên thế giới.

Bài 1: "Đừng lại quả nếu không muốn gặp rắc rối"

Carl Christian Hasselbalch, thành viên cấp cao của tổ chức Trách nhiệm xã hội Doanh nghiệp - CSR cũng là nhà cố vấn chống tham nhũng cho Bộ Ngoại giao Đan Mạch nói về các hệ thống và luật pháp nước này, những kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.


Lưu ý rằng, Đan Mạch cũng là quốc gia dẫn đầu trong danh sách 10 nước trong sạch nhất thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức tham nhũng của TI. Chỉ số này là sự tổng hợp từ nhiều yếu tố đánh giá, sử dụng các nguồn khác nhau về tham nhũng. Các nguồn được khảo sát và đánh giá trên cơ sở áp dụng các câu hỏi thăm dò liên quan đến hối lộ công chức, việc “lại quả” trong quá trình mua sắm công, biển thủ công quỹ, và những câu hỏi nhằm thăm do đánh giá năng lực và hiệu quả của các nỗ lực chống tham nhũng trong lĩnh vực công. Các quốc gia khắp thế giới sẽ được xếp theo thang điểm từ 10 (rất trong sạch) đến 0 (tham nhũng quá cao).

Định dạng tham nhũng

"Theo định nghĩa của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, tham nhũng là lạm dụng quyền lực được giao để mưu cầu lợi ích tư nhân”, Hasselbalch nói, "và định nghĩa này tương ứng với quan niệm về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự của Đan Mạch cũng như trong nhiều công ước quốc tế”.

"Hối lộ, gian lận, tống tiền, thiên vị là bốn hình thức phổ biến nhất của tham nhũng. Tham nhũng dẫn tới việc chi phí ngày càng gia gia tăng, đầu tư bất ổn, tống tiền và mất hợp đồng. Vì thế, việc phát triển và theo đuổi một chính sách chống tham nhũng cụ thể là tối quan trọng để bảo vệ các công ty khỏi tham nhũng”, Hasselbalch nhấn mạnh.

Theo luật pháp Đan Mạch, hối lộ quan chức (hối lộ chủ động) là một tội hình sự, bao gồm cả hối lộ quan chức nước ngoài; quan chức nhận hối lộ bao gồm cả quan chức nước ngoài, là một hành động hối lộ bị động. Tham nhũng liên quan tới các mối quan hệ cá nhân hợp pháp (lại quả) cũng bị nghiêm cấm.

Theo Hasselbalch, những công ước quốc tế chủ chốt trong lĩnh vực chống tham nhũng bao gồm Công ước chống tham nhũng của LHQ; Công ước chống hối lộ các quan chức nước ngoài trong Giao dịch Kinh doanh quốc tế của OECD và Công ước chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu.

Mô hình Công ước chống tham nhũng của LHQ thiên về các chính sách ngăn chặn, như thiết lập các cơ quan chống tham nhũng và tăng cường minh bạch tài chính trong các chiến dịch bầu cử, các đảng phái chính trị.

Công ước OECD là một lệnh cấm toàn cầu về hối lộ trong các hoạt động giao dịch kinh doanh quốc tế, bao gồm hối lộ chủ động của các quan chức.

Công ước chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu nghiêm cấm cả hối lộ chủ động và thụ động. Công ước bao gồm nỗ lực chống tham nhũng ở cả quan chức công lẫn khu vực tư nhân.

"Trong báo cáo tham nhũng toàn cầu, Đan Mạch luôn xuất hiện trong top 3 quốc gia ít tham nhũng nhất, và tham nhũng hiếm khi xảy ra ở lĩnh vực công. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi hoàn toàn không có tham nhũng”, Hasselbalch nhấn mạnh.

"Như một vấn đề thực tế, một số công ty chỉ chờ đợi cơ hội thuận tiện để làm việc này. Vì vậy, nó đòi hỏi chúng ta không ngừng cải thiện luật pháp chống tham nhũng”, ông nói. Hasselbalch đã dẫn trường hợp hối lộ của KMD để minh họa cho quan điểm của mình.

Trường hợp hiếm

KMD là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ chính cho các đô thị của Đan Mạch, và do Hiệp hội các đô thị quốc gia sở hữu. Từ năm 2005, KMD đã mời các quan chức cao cấp các khu đô thị tham gia vào những chuyến du ngoạn đắt đỏ, tới các điểm du lịch nổi tiếng thế giới ở New Zealand, Singapore và Australia theo một chương trình với tên gọi phát triển thị trường. Trong những chuyến đi này, KMD chịu trách nhiệm về nội dung, giải trí và ăn uống. Vụ việc bị phát hiện năm 2009, và vẫn đang trong quá trình điều tra xét xử.

"Các hành động của KMD sẽ không bị xem như một tội hình sự cách đây 12 năm. Trái lại, thậm chí 30% chi phí vui chơi giải trí kinh doanh của một công ty sau đó còn được miễn thuế", Hasselbalch cho biết.

"Chính phủ Đan Mạch thông qua chỉ thị của EU về mua sắm công từ năm 2004”, ông nói. "Kể từ đó, một công ty không được khấu trừ chi phí đã sử dụng để hối lộ các quan chức”. Năm 2010, chính phủ Đan Mạch cũng áp dụng Chính sách Không khoan nhượng với tham nhũng với mục tiêu là các hoạt động phát triển kinh doanh ở nước ngoài.

"Các mục tiêu tổng thể của chính sách này là ngăn chặn tham nhũng trong các công ty Đan Mạch ở nước ngoài cũng như với các chương trình, dự án ở nước ngoài mà công ty Đan Mạch có liên quan”, Hasselbalch nhấn mạnh.

Trong năm 2005, bảy công ty của Đan Mạch đã dính vào vụ bê bối chương trình dầu đổi lấy lương thực của LHQ trong đó có cả tập đoàn dược phẩm khổng lồ Novo Nordisk, công ty dược Leo Pharma, công ty cung cấp và xử lý nước, khí AVK Holding.

Chương trình Dầu đổi lương thực do LHQ đưa ra năm 1995 cho phép Iraq bán dầu đổi lấy hàng hóa phục vụ mục đích nhân đạo. Bắt đầu từ năm 2000, chính phủ cũ của Iraq yêu cầu các công ty bán hàng hóa nhân đạo cho các bộ ngành chính phủ phải trả một khoản lại quả để đảm bảo sở hữu hợp đồng. Tổng khoản phí này thậm chí lên tới 10% giá trị hợp đồng.

Năm 2009, với nỗ lực của hội đồng thương mại Đan Mạch, sáu trong 7 công ty nước này đã nhất trí trả tổng cộng 45 triệu curon Đan Mạch (khoảng 8 triệu USD) do những vi phạm liên quan tới vụ bê bối chương trình Dầu đổi lương thực của LHQ.

"Năm trước nữa, chúng tôi chỉ được đánh giá ở mức trung bình về việc thực thi Công ước chống hối lộ OECD nhưng năm 2010, chúng tôi đã đạt mực thực thi tích cực. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực của mình”, Hasselbalch khẳng định.

Jens Berthelsen, một thành viên của Mạng lưới Tư vấn toàn cầu, với kinh nghiệm nhiều thập niên giúp các công ty vừa và nhỏ (SME) tránh và đấu tranh tham nhũng, nói rằng, Đan Mạch có những định nghĩa rõ ràng về các mức độ khác nhau của tham nhũng, cùng với cơ chế giám sát tương ứng và các quy định của pháp luật.

Cả Berthelsen và Hasselbalch đều cho rằng, thay vì áp dụng những hình phạt nghiêm khắc chống lại tham nhũng, chính phủ Đan Mạch thiên về việc giáo dục công dân về những gì tạo ra tham nhũng và cách tránh vấn nạn này. Theo Berthelsen thì: "Chúng tôi tin là, lý do khiến các công ty dính líu vào vấn đề tham nhũng là họ không ý thức đầy đủ rằng, tham nhũng làm gia tăng chi phí cơ hội của công ty”.

Hạnh phúc người dân

Vậy những người dân bình thường của Đan Mạch cảm giác thế nào khi sống ở một quốc gia ít tham nhũng nhất?

"An toàn” và “đáng tin cậy” là những từ hầu hết được đề cập trong các cuộc tiếp xúc với người dân địa phương. Henriette Melchiorsen, một nhà thiết kế nói: “So với những nơi khác trên thế giới, tham nhũng hiếm khi xảy ra ở Đan Mạch. Họ nói chúng tôi khờ dại, có thể là vậy. Không thể hình dung được ở một số nước, bạn phải thêm khoản tiền hối lộ cho ai đó để có được điều bạn làm”.

Yanbiao Lin, giám đốc Hiệp hội Kinh doanh Trung Quốc tại Đan Mạch khẳng định: "Tôi ngưỡng mộ rằng người Đan Mạch luôn có ý thức chống tham nhũng. Và tôi thích thú vì những lợi ích của việc cung cấp cơ hội công bằng mà xã hội Đan Mạch đem lại. Không bao giờ trong cuộc sống hàng ngày hay thế giới kinh doanh, chúng tôi cảm thấy bị đối xử khác biệt vì chúng tôi không phải là người Đan Mạch hay thiếu một mạng lưới an sinh xã hội”.

"Và tôi luôn khuyến cáo những người Trung Quốc khác rằng, nếu bạn đang trong quá trình xin thủ tục làm gì, sau đó, đừng bao giờ nghĩ thậm chí dù chỉ gửi một món quà tới người có trách nhiệm, vì bạn có thể gặp rắc rối, hay có thể bị phạt vì làm việc này. Ở Đan Mạch, mọi thứ đều có quy định chặt chẽ, bạn phải theo đúng thủ tục mà làm việc. Trong hiệp hội của chúng tôi, chúng tôi cũng áp dụng cách quản lý này để từ chối và tránh tham nhũng, để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn”, Lin cho biết.

Kết quả cả hai cuộc thăm dò Dữ liệu Hạnh phúc thế giới do trường Đại học Rotterdam thực hiện và Khảo sát các giá trị Thế giới của Đại học Michigan đều cho thấy, người Scandinavia, đặc biệt người Đan Mạch là những người hạnh phúc nhất thế giới trong suốt 20 năm qua. Và hạnh phúc ấy có thể được kéo dài hơn, mở rộng hơn do mức độ tham nhũng cực kỳ thấp ở quốc gia này.

Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 với chủ đề: “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả” sẽ hỗ trợ kinh phí trực tiếp ít nhất 20 ý tưởng khả thi nhằm phòng chống tham nhũng theo chủ đề trên để thực hiện, mỗi khoản tài trợ lên tới 290 triệu đồng.

Tất cả cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương đều có thể gửi đề án tham gia chương trình. Vòng chung kết cuộc thi và diễn đàn Trao đổi tri thức - hai hoạt động chính của chương trình - sẽ được tổ chức ngày 18-19/8/2011 tại Hà Nội.

VACI do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ: Chương trình Viện trợ phát triển Australia (AusAID), Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK), Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Phần Lan và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

  • Diệu Thúy (Tổng hợp)