- Nhấn mạnh tầm quan trọng của dân chủ ở cơ sở, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, phải khắc phục quan điểm chỉ thấy cấp to chứ không thấy cơ sở, thấy vĩ mô chứ không thấy vi mô.

GS.TS Hoàng Chí Bảo đặt vấn đề tranh luận tại hội thảo khoa học “Vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” do Ban thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay ở Hà Nội.

Tránh chệch hướng

Nêu "sự kiện Thái Bình" trong quá khứ là một dấu mốc quan trọng trong nhận thức về dân chủ ở cơ sở, một sự "cảnh báo", GS.TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng lý luận TƯ) cho rằng dân chủ phải được thể chế hóa nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, thể chế hóa dân chủ mới rành mạch, tránh rơi vào tình trạng dân chủ hình thức hoặc dân chủ quá.

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Thể chế hóa dân chủ mới rành mạch

Dẫn kết quả đánh giá điều tra xã hội học về vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại 6 tỉnh, thành cho thấy có hơn 88% có nhận thức về pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn, ông Bảo nói rằng đó là con số "đáng mừng", nhưng không nói lên chiều sâu của vấn đề.

Những vụ việc Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản xảy ra vừa qua, theo ông, nếu không giải quyết tốt vấn đề dân chủ ở nông thôn thì sẽ có thể "chệch hướng".

"Cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của cơ sở. Phải khắc phục quan điểm chỉ thấy cấp to chứ không thấy cấp cơ sở, chỉ thấy vĩ mô chứ không thấy vi mô. Cơ sở là địa bàn của dân, cán bộ sống trong lòng dân. Cơ sở thiết lập quan hệ giữa Đảng với người dân" - ông phát biểu,

Đề cập vấn đề dân chủ ở cơ sở, GS Lưu Văn Đạt tự nhận chức vị "phó ban công tác mặt trận" ở khu dân cư của ông "vừa ở tầm vĩ mô và vi mô". Những bạn bè trí thức cho đến người dân thường nơi phường ông sinh sống không hiểu về pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.

"Họp ở tổ dân phố khó lắm, một năm họp 1 đến 2 lần chỉ có vài đại diện. Việc bầu tổ trưởng, tổ phó dân phố là buộc phải làm nhiều hơn. Phải nhìn thẳng và đánh giá đúng sự thật. Phải có tổng kết trên cơ sở khoa học khách quan thực sự cầu thị chứ không chỉ lấy thành tích" - ông nói khi đề cập đến con số hơn 88% nêu trên.

Ông cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được và quan tâm đến “tam dân”: dân sinh, dân trí, dân chủ. Trong đó đặc biệt là các vấn đề dân sinh.

GS Lưu Văn Đạt: Cần quan tâm đến dân sinh. Dân đói thì dân trí cũng chẳng thể làm gì

"Cần quan tâm đến dân sinh. Dân đói thì dân trí cũng chẳng thể làm gì" - ông nói.

Theo GS Lưu Văn Đạt, dân chủ ở cơ sở là vấn đề cực kỳ quan trong nếu giải quyết tốt thì những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang sẽ bớt đi rất nhiều.

"Không thể giải quyết bằng quyền lực, áp đặt thì tình hình sẽ khó giải quyết" - ông nói.

Mở rộng dân chủ trực tiếp

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng để phát triển dân chủ ở cơ sở, điểm đầu tiên phải tạo ra động lực phát triển kinh tế, xã hội cải thiện dân sinh nâng cao dân trí, tăng cường đoàn kết ở nông thôn. Phải gắn với cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Vai trò của nhân dân phải rất được coi trọng.

"Vấn đề quan trọng nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện chúng ta làm thường xuyên. Sửa Hiến pháp, sửa luật sắp tới kiến nghị cần mở rộng dân chủ trực tiếp chứ không cái gì cũng dân chủ đại diện nhằm khắc phục tinh thần suy thoái quan liêu, mất dân chủ, tham nhũng" - ông nêu ý kiến.

Dân chphải "trực tiếp", không thể "đại diện" để khắc phục sự quan liêu

Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Hòa Bình Nghiêm Phú Doãn cho rằng Quy chế dân chủ cơ sở hiện nay bộc lộ điểm yếu chưa quan tâm của cấp ủy chính quyền cơ sở. Do giá trị pháp lý chưa đạt tới tầm, ông cho rằng, cần nâng tầm lên luật chứ không nên để ở pháp lệnh. Đặc biệt, phải nâng cao vai trò, sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ông Bùi Xuân Đức- Giám đốc Trung tâm công tác lý luận kiến nghị vận dụng hương ước trong xây dựng dân chủ ở cơ sở.

Phát huy dân chủ cơ sở rất cần phát huy những hương ước này, nhưng theo ông Đức, hương ước được xây dựng tại rất nhiều địa phương nhưng ở các khu dân cư đô thị (quy ước) còn rập khuôn, chính quyền đưa xuống và ký vào không có sự trao đổi với người dân. Do đó, dân chủ cơ sở chỉ thúc mới làm.

Phó Chủ tịch MTTQ Vũ Trọng Kim cho rằng công tác đánh giá thực hiện, nhận thức dân chủ ở cơ sở đã, đang và tiếp tục làm trên tinh thần ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau ở cơ sở.

Theo ông, tính trung thực, thẳng thắn trong dân chủ phải được xây đắp bằng sự thật và những con người trung thực. Việc thực hiện dân chủ phải gắn với NQ TƯ 4 là đúng đắn.

Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng