- Xét tình hình khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu HĐND Hà Nội tại phiên họp tổ chiều 3/12 lo ngại các chỉ tiêu phát triển kinh tế thành phố đặt ra là quá lạc quan.

ĐB Trần Trọng Dực (quận Hoàng Mai) ngờ rằng con số hơn 12 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm vẫn chưa phản ánh hết thực tiễn khó khăn của các doanh nghiệp. Theo ĐB Nguyễn Duy Hồng (huyện Hoài Đức), số doanh nghiệp chưa phá sản nhưng buộc phải dừng hoạt động vì không thể tiếp tục sản xuất rất nhiều.

Ảnh: Phạm Hải

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Trần Thị Thanh Nhàn còn nhận định tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 "chưa thấy có gì khả quan so với 2012". Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Như Mai cũng không dám nói tình hình các doanh nghiệp đã đến "đáy" chưa.

Nhiều ý kiến cho rằng với tình hình ảm đạm như vậy của các doanh nghiệp, chỉ tiêu tăng trưởng 8-8,5% năm 2013 là khó đạt được, nên hạ bớt cho sát với thực tiễn. Các chỉ tiêu về xuất khẩu, tạo việc làm cũng được cho là quá lạc quan so với thực tế.

Theo bà Mai, cách cứu doanh nghiệp quan trọng nhất chính là tìm lại thị trường cho họ. Bà lấy ví dụ chuyện gà lậu Trung Quốc đã làm đau đầu cơ quan chức năng thời gian qua để cho thấy: "Sức mua đã yếu, doanh nghiệp không giải phóng được hàng tồn kho, thị trường còn bị lũng đoạn bởi hàng Trung Quốc tràn lan và rẻ tiền, doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh được".

Dù đã tập trung lực lượng kiềm chế được đầu mối gà lậu ở chợ Hà Vĩ, tình hình này vẫn chưa thể được khắc phục do buôn lậu tìm những con đường khác để thâm nhập thị trường vì mặt hàng này là siêu lợi nhuận, bà Mai phân tích. Từ đó, Phó GĐ Sở Công thương Hà Nội kiến nghị thành phố xác định tập trung nhiệm vụ chống buôn lậu và hàng giả, cũng như có các chính sách vĩ mô đồng bộ để ngăn chặn hàng lậu ngay từ biên giới.

Giải pháp thứ hai mà các ĐB nhấn mạnh là khai thông dòng vốn cho vay của ngân hàng. Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà lưu ý nghị quyết QH vừa thông qua nhấn mạnh việc kiểm soát cho vay liên ngân hàng, giảm lãi suất để đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, Hà Nội cần xem xét tình hình thực tế để nhanh chóng áp dụng.

Bà Nguyễn Thị Như Mai còn kiến nghị thành phố tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đang gặp khó khăn để giúp họ giải quyết nợ xấu, được vay vốn để khôi phục sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Việt thì lưu ý không chỉ các doanh nghiệp khó khăn mà nông dân cũng không tránh khỏi tác động của tình hình kinh tế chung. "Nông dân đang hết đất sản xuất, có đất thì cũng không có lãi, thường xuyên lỗ do giá cả đầu vào ngày càng tăng", ông Việt nói.

Trong khi đó, chính sách đối với tam nông còn ít, đầu tư thực tế vào khu vực này quá khiêm tốn, ông Việt nhấn mạnh: "Nguồn xây dựng nông thôn mới chỉ trông vào đấu giá đất mà giờ không có ai mua".

ĐB Trần Trọng Dực chia sẻ nhận định về tình hình đóng băng của thị trường bất động sản. "Các huyện đều trông vào nguồn thu từ đấu giá đất mà năm nay lại thất thu", ông Dực nói. "Ở Thạch Thất, năm 2010 đất 20 triệu đồng/ha mà các nhà đầu tư chen nhau đấu giá, năm nay chỉ còn 6 triệu mà không thể tổ chức đấu giá vì số người mua hồ sơ quá ít". Ông Dực cho rằng nếu không gỡ được nút thắt này, tình hình thu ngân sách năm sau sẽ còn khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huy Việt cũng lưu ý việc cải cách hành chính của thành phố quá chậm, nhất là trong vấn đề đất đai, khiến người dân bức xúc còn các ĐB "trở thành người nói dối" vì hết lần này đến lần khác hứa suông với dân. Các chính sách đền bù thu hồi đất, tái định cư chậm sửa đổi khiến quan hệ giữa chính quyền với người dân không ít trường hợp trở nên căng thẳng.

Các đại biểu HĐND Hà Nội sẽ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường vào ngày mai (4/12).

  • Chung Hoàng