- Coi việc hiện đại hóa nhanh
chóng của Hải quân Trung Quốc là “mối quan tâm lớn”, Tư lệnh Hải quân, đô đốc Ấn
Độ tuyên bố, nước ông sẽ bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông, thậm chí điều
lực lượng tới đây.
"Việc hiện đại hóa (của hải quân Trung Quốc) thực sự ấn tượng. Nó là nguyên nhân chính tạo ra sự quan tâm lớn của chúng tôi”, ông D K Joshi nói ngày 3/12 tại một cuộc họp báo.
Tư lệnh Hải quân, đô đốc Ấn Độ D K Joshi.
Ảnh: bezeegioi thieu
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ đưa
ra tuyên bố trên khi trả lời câu hỏi về những sự cố bất ngờ xảy ra ở Biển Đông
cũng như nỗ lực bảo vệ các lợi ích Ấn Độ tại đó và ấn tượng về quá trình hiện
đại hóa của hải quân Trung Quốc.
Trước hàng loạt câu hỏi về tình hình
Biển Đông - nơi Ấn Độ từng có lần “xích mích” với Trung Quốc năm ngoái, ông
Joshi nói rằng, mặc dù sự hiện diện của Ấn Độ trong vùng biển không “quá thường
xuyên” nhưng nước này có những lợi ích như tự do hàng hải và khai thác tài
nguyên ở đó.
"Không phải chúng tôi mong đợi hiện diện quá thường xuyên ở
khu vực hàng hải này, nhưng khi có những yêu cầu liên quan đến lợi ích quốc gia,
ví dụ như ONGC Videsh, chúng tôi sẽ cần đến đó và chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn
bị. Với câu hỏi chúng tôi đang tiến hành luyện tập cho điều này, thì câu trả lời
ngắn gọn là đúng”, Tư lệnh Hải quân Joshi nhấn mạnh.
Đề cập đến các lợi
ích của Ấn Độ ở Biển Đông, ông nói rằng, lợi ích đầu tiên bao gồm tự do hàng
hải. "Không chỉ có chúng tôi, mà tất cả mọi người đều nhìn nhận rằng, các vấn đề
cần phải được giải quyết phù hợp với quy định quốc tế, vốn được nêu trong UNCLOS
(Công ước LHQ về Luật Biển), đó là yêu cầu đầu tiên của chúng tôi”, ông khẳng
định.
Vào hồi tháng 7, Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd
(OVL) tuyên bố quyết định sẽ tiếp tục thăm dò và khai thác dầu tại lô dầu 128 ở
Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phía đối tác Ấn Độ đã “phớt lờ” cảnh báo
của Bắc Kinh với cam kết tiếp tục hợp tác với đối tác là Tổng công ty dầu khí
quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) nhằm triển khai tiếp hợp đồng thăm dò khai thác
thêm một vài năm nữa.
Trung Quốc phản đối các dự án khai thác của Ấn Độ
trong khu vực, cho rằng phần lãnh thổ này thuộc chủ quyền của mình. Trong khi Ấn
Độ tiếp tục khẳng định rằng các dự án khai thác này thuần túy mang tính thương
mại, Trung Quốc lại coi các hoạt động đó là một vấn đề chủ quyền. Bất chấp nhiều
nước đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn không ngại ngần khẳng
định chủ quyền với hầu hết vùng biển này, kể cả những ranh giới lượn sát bờ biển
nước khác.
- Thái An (theo timesofindia)