- Một lãnh đạo địa phương có đầu óc cải cách, nhưng nếu không được
phát huy, trở nên đơn độc, bị cô lập, sẽ́ không thể trở thành nhà
lãnh đạo tốt, tạo ra những tác động hiệu quả để chống tham nhũng ở
cấp địa phương ở Việt Nam.
Renwick Irvine, cố vấn chính sách của DFID tại Việt Nam đưa ra luận điểm trên khi ông “đặt cược” vào vai trò của cá nhân trong phòng, chống tham nhũng tại các cấp địa phương - chủ đề của Đối thoại Chống tham nhũng lần thứ 11 diễn ra hôm nay (6/12) tại Hà Nội.
Theo Renwick Irivine, thực chất có nhiều cửa “đặt cược” cho nỗ lực chống tham nhũng hiệu quả ở Việt Nam, nhưng ông đã nêu bật vai trò cá nhân khi khẳng định lãnh đạo địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng.
Cố vấn chính sách của DFID tại Việt Nam Renwick Irvine |
“Kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy nơi nào có cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương, nơi đó hành động hiệu quả hơn” - cố vấn chính sách của DFID nói với phóng viên trước thềm Đối thoại.
Có một lãnh đạo địa phương tốt, nhưng quan trọng hơn là phải làm thế nào để họ lãnh đạo tốt nhất. Theo Renwick Irvine, điều quan trọng là có một hệ thống khuyến khích, động viên vai trò lãnh đạó, như bằng lương, thưởng, thăng chức… để tránh cho người lãnh đạo địa phương có tố chất tốt, đầu óc cải cách đó không bị đơn độc, cô lập trong thực hiện cải cách.
Bên cạnh việc chờ đợi hoàn thiện cơ chế, pháp luật, cố vấn chính sách của DFID đưa ra lời khuyên các địa phương ở Việt Nam hãy hành động, không cần phải đợi những chỉ thị từ cấp trung ương dội xuống mới thực thi những chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ.
Cố vấn quốc tế cũng cho rằng cần đặt khái niệm chống tham nhũng bao hàm nghĩa tích cực hơn, không phải là việc con người nỗ lực mòn mỏi chống cái xấu đơn thuần. Hành động để giảm thiểu những cơ hội tham nhũng là tư duy quan trọng, cần thiết hơn, ý nghĩa hơn.
Ông dẫn kết quả của một số địa phương ở Việt Nam làm minh chứng. Có những tỉnh đã thành công trong việc khuyến khích đầu tư vào tỉnh mình thông qua việc tăng cường minh bạch và tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể dễ dàng thành lập và hoạt động hiệu quả.
Tại tỉnh Ninh Thuận, chính quyền địa phương đã thành lập văn phòng phát triển kinh tế để tối giản các thủ tục hành chính. Nỗ lực này không chỉ tiết kiệm thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp mà còn giảm nguy cơ tham nhũng.
Chính quyền tỉnh Lào Cai đã đạt được những yêu cầu đảm bảo tính minh bạch bằng việc cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho các công dân và doanh nghiệp tham gia quá trình hoạch định chính sách, phản hồi và giám sát.
Một câu chuyện quốc tế được giới thiệu với Đối thoại sáng nay là dự án “thành phố minh bạch” thực hiện tại Martin, thành phố lớn thứ 8 của Slovakia. Dự án này từng được giải thưởng dịch vụ công của LHQ năm 2011.
Thị trưởng thành phố này đã tự mạnh dạn khởi xướng thực hiện dự án trên, áp dụng một loạt biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu các nguy cơ tham nhũng trong các hoạt động hành chính công của thành phố.
Martin công bố một lịch tiếp dân thường kỳ để người dân có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với Thị trưởng về mọi thắc mắc liên quan hành chính công.
Bên cạnh đó, chủ động tạo một hệ thống dữ liệu mở để người dân truy cập và giám sát các khâu tuyển chọn công chức, phân bổ nhà ở xã hội, hoạch định chính sách và bầu các ủy viên hội đồng thành phố.
Ngoài ra, các gói thầu thi công từ ngân sách trị giá trên 3.000 euro (tương đương 80 triệu đồng) đều phải thực hiện qua đấu thầu điện tử công khai.
Xây dựng quy tắc ứng xử và bầu ra ủy viên đạo đức của thành phố, tổ chức các chiến dịch truyền thông để thông báo rộng rãi đến người dân những biện pháp trên và khuyến khích người dân tham gia…
Tổng kinh phí thực hiện dự án này của Thị trưởng hết 23.300 euro (tương đương 600 triệu đồng) và chỉ thực hiện trong 3 tháng (sau khi đã chuẩn bị kỹ).
Kết quả họ đã tiết kiệm được ít nhất 740.200 euro (tương đương gần 20 tỷ đồng) nhờ đấu thầu công qua điện tử, lòng tin của người dân đối với chính quyền ngày càng tăng….
Bình luận về ví dụ trên ở Slovakia, DFID Việt Nam cho rằng đó là kinh nghiệm cho thấy việc chống tham nhũng không phải là một giấc mơ không tưởng.
Điều chỉnh vai trò giám sát của MTTQ, HĐND Các nhà tài trợ quốc tế kiến nghị tại Đối thoại về cơ chế giám sát. Theo đó, việc giám sát được khuyến nghị điều chỉnh toàn diện vì cơ chế trách nhiệm giải trình cấp địa phương không theo kịp với quá trình phân cấp. Cụ thể, HĐND và MTTQ có chức năng, nhiệm vụ cụ thể nhưng lại thiếu năng lực, quyền hạn và kinh nghiệm. Công dân và các tổ chức dân sự chưa thực sự được tham gia một cách đầy đủ trong quá trình thảo luận và chương trình phòng, chống tham nhũng rộng rãi. Một cơ chế hiệu quả để giải quyết tố cáo, khiếu nại của dân và bảo vệ người “thổi còi” cũng chưa được xây dựng. |
Linh Thư