Vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế không nên bị đánh giá thấp bởi sự hình thành của các Tòa là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế và quản trị biển.

Biển Đông: Bài toán khó hiểu

Theo giới quan sát địa chính trị, Biển Đông vẫn là một trong những bài toán khó hiểu, khó lường đối với giới nghiên cứu, học giả quốc tế. Các diễn biến mới nảy sinh gần đây, làm cho vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp và khó giải quyết. Chính mối liên hệ đan xen giữa nhiều tranh chấp, sự tác động qua lại giữa nhiều nhân tố bao gồm hệ thống quốc tế, thể chế khu vực, chính sách quốc gia – nhất là của các nước lớn, các bên có đòi hỏi chủ quyền và các bên liên quan khác - các phát triển trong chính trị nội bộ tiếp tục biến Biển Đông thành một điểm nóng hội tụ của nhiều lớp mâu thuẫn, cạnh tranh địa chiến lược của thế giới và khu vực.

{keywords}
Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo phi pháp trên các bãi đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhìn trong tổng thể và dài hạn hơn, bất an và lo ngại vẫn đè nặng bởi viễn cảnh của một Biển Đông dần trôi vào vòng xoáy vô trật tự và xung đột. Trật tự trên biển bị xói mòn do luật pháp quốc tế vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Việc phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2017 không được tôn trọng đe doạ tính toàn vẹn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển".

“Vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế không nên bị đánh giá thấp”

Do vậy, khi bàn về bài toán khó này, dưới góc độ pháp luật quốc tế, thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn (Nguyên Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật biển/ ITLOS) đã nhấn mạnh về vai trò của Tòa án và Trọng tài trong các tranh chấp biển cũng như các đóng góp cùng những thách thức của Tòa án Quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp biển. Đây là cơ sở để có thể đưa ra những giải pháp toàn diện, lâu dài và bền vững hơn để ngăn chặn vấn đề Biển Đông trở nên trầm trọng, từ đo đe doạ "hệ sinh thái an ninh" của toàn khu vực. Ông Vladimir Vladimirovich Golitsyn đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo Quốc tế lần thứ chín về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 11.

Thẩm phán đánh giá "vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế không nên bị đánh giá thấp" bởi sự hình thành của các Tòa là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế và quản trị biển. Khi thực hiện những chức năng nhiệm vụ, Tòa án Quốc tế về Luật biển dần dần trở thành "một cơ quan về khoa học luật pháp, đóng góp vào sự phát triển tiến bộ của luật biển và quản trị biển quốc tế."

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các Tòa cũng thường "rơi vào thế khó" trước những thách thức khách quan và nội tại nảy sinh từ ba xu hướng quốc tế đang hình thành. Thứ nhất, các quốc gia hiện nay có xu hướng sử dụng các thủ tục tư pháp quốc tế cho mục đích chính trị và phán quyết chỉ được coi là một trong những công cụ nhằm đạt được kết quả thuận lợi cuối cùng bằng các biện pháp khác. Thứ hai, ông cho rằng tồn tại nguy cơ các cơ quan tài phán quốc tế đôi khi không nhớ rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp. Cuối cùng là thách thức nảy sinh từ sự tồn tại của nhiều cơ quan tài phán quốc tế, cụ thể là vấn đề thẩm quyền của Tòa ICJ đối với các tranh chấp nảy sinh theo Công ước trên cơ sở các bên chấp nhận thẩm quyền của ICJ theo Điều 36 khoản 2 của Quy chế tòa này, thay vì trên cơ sở lựa chọn thủ tục theo điều 287 của Công ước. Do vậy, khả năng đóng góp của các cơ quan tài phán vào hoà bình và ổn định sẽ phụ thuộc vào lập trường của nhiều bên trong hệ thống giải quyết tranh chấp này.

Gia Hưng - Kim Duyên