Việc thiết lập các đường dây nóng trên biển giữa Việt Nam và các nước đã góp phần trao đổi thông tin, ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp không khai báo, tai nạn hàng hải, hỗ trợ các tình huống tránh trú bão khẩn cấp…đảm bảo an toàn cho ngư dân các nước.

{keywords}
Đường dây nóng sẽ giúp các vụ việc phát sinh đột xuất trong hoạt động nghề cá trên biển

 

Sử dụng có hiệu quả đường dây nóng giữa Việt Nam-Trung Quốc

Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển được thủ tướng chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/2/2015. Nội dung phối hợp là tiếp nhận, trao đổi, xử lý thông tin, đề xuất và thống nhất phương án xử lý vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển đối với các vụ việc về: tranh chấp nghề cá trên biển; sự cố nghề cá trên biển; tránh nạn khẩn cấp; thông tin về xử lý tàu cá và ngư dân; giải quyết các vụ việc theo phương án xử lý đã thống nhất.

Cơ quan đầu mối triển khai quy định sử dụng đường dây nóng phía Việt Nam là Cục Kiểm ngư - Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan đầu mối phía Trung Quốc là Cục ngư chính khu Nam Hải, Bộ Nông nghiệp.

Các cơ quan tiếp nhận thông tin gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Thông tin kiểm ngư, Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản; Bộ Quốc phòng: Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân; Bộ Giao thông Vận tải; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn: Trung tâm Quốc gia Điều hành tìm kiếm cứu nạn và UBND các tỉnh, thành phố ven biển. Cơ quan đầu mối hai bên tổ chức trực ban 24/24 và dùng phương thức liên lạc chính qua đường fax bằng 2 ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Việt .

Các cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm gửi thông tin cho cơ quan đầu mối không quá 1 giờ kể từ khi nhận được thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển. Cục Kiểm ngư gửi thông tin cho cơ quan chủ trì xử lý trong thời gian không quá 30 phút kể từ khi nhận được thông tin. Cơ quan chủ trì xử lý trong thời gian không quá 1 giờ đối với trường hợp tránh nạn khẩn cấp; 2 giờ đối với sự cố nghề cá trên biển; 20 giờ đối với trường hợp tranh chấp nghề cá trên biển; 40 giờ đối với trường hợp bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân kể từ khi nhận thông tin từ cơ quan đầu mối.

Xác định rõ vùng đánh bắt

Dù đã có đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền phổ biến phổ biến pháp luật biển để giảm thiểu tình trạng tai nạn trên biển hay tàu cá ngư dân nước ta xâm phạm vùng biển của các nước trong khu vực.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ Trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, khi đánh bắt tại khu vực biên giới biển, ngư dân cần xác định rõ vùng cho phép đánh bắt và cần giữ khoảng cách an toàn, tránh trường hợp do ảnh hưởng của dòng hải lưu, thời tiết xấu khiến tàu cá của ngư dân sang các vùng biển của nước khác.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Tổng cục Thủy sản, ông Lưu Văn Huy, có thể khẳng định đến thời điểm này ngư dân đã nắm được quy định của pháp luật, nhận thức cũng như ý thức được hành vi mà pháp luật không cho phép; cũng như nhận thức, ý thức hành vi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài là trái pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận ngư dân ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế do lợi ích kinh tế, đã cố tình vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép.

Ông Nguyễn Quốc Ánh, Giám đốc Trung Tâm thông tin Kiểm ngư, Cục Kiểm ngư Tổng cục Thủy sản lưu ý: “Khi ngư dân gặp nạn trên biển đề nghị bà con thông báo cho các tàu hoạt động trong tổ đội của mình biết. Thứ 2 là thông báo cho các cơ quan cứu hộ, cứu nạn trên tần số 7903 do chính phủ quy định để nhận được trợ giúp. Hoặc cũng có thể gọi cho đài bờ của trạm bờ duyên hải, đồn biên phòng. Một cách nữa là nhấn nút khẩn cấp trên thiết bị kết nối vệ tinh thì Trung tâm thông tin Kiểm ngư sẽ nhận được tín hiệu.”

Luật biển năm 2013 quy định, nước ta có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở, có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra còn có ngư trường trong Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký với các nước lân cận. Ngư dân nên tìm hiểu kỹ về ngư trường; khi khai thác tại những vùng biển giáp ranh phải cẩn trọng, theo dõi định vị; không nên đi vào vùng biển của những nước xung quanh, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bảo Đức - Diệu Thúy