- Hội thảo tập trung đánh giá về tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế; phản ứng và các hoạt động trên thực địa của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Hôm nay, Hội nghiên cứu Việt Nam học Hàn Quốc và Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế thuộc trường Đại học Chosun đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Tình hình và triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines” tại TP Gwangju, Hàn Quốc.
Tham dự có gần 100 đại biểu là các quan chức TP Gwangju, các chuyên gia nghiên cứu, học giả Hàn Quốc, giảng viên, sinh viên trường Đại học Chosun cùng đông đảo người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc, Giáo sư Ahn Kyong Hwan, Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học Hàn Quốc nhấn mạnh, Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch, nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng.
Theo ông, việc Tòa trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc là một sự kiện quan trọng trong tiến trình giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua luật quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình Biển Đông hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các bên cần nêu cao trách nhiệm và bổn phận đối với việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.
Theo Giáo sư Ahn Kyong Hwan, hội thảo lần này sẽ tập trung đánh giá về tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài; phản ứng và các hoạt động trên thực địa của Trung Quốc trong thời gian gần đây; quan điểm và chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền...
Bên lề hội thảo, ban tổ chức kết hợp triển lãm hơn 50 bức ảnh về các bãi, đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước, trong và sau khi Trung Quốc triển khai các hoạt động nạo vét, bồi đắp, mở rộng và một số hình ảnh, bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
PV