Hơn 19 năm qua, Lực lượng Cảnh sát biển đã có sự phát triển toàn diện, đáp ứng ngày càng cao trước yêu cầu quản lý, bảo vệ vùng biển trong bối cảnh vùng biển quốc gia luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập ngày 28/8/1998, có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ và duy trì an ninh các khu vực biển và thềm lục địa của Việt Nam.

Mệnh lệnh không lời

Là lực lượng chuyên trách của Nhà nước về thực thi pháp luật trên biển trực thuộc Bộ Quốc phòng, một trong những đối tượng mà Cảnh sát biển thường xuyên trực tiếp làm việc đó là ngư dân. Dư luận nhìn chung mỗi lần nghe tin ngư dân bị cướp bóc, bị bắt bớ, bị đâm, xua đuổi tàu thuyền khi đánh bắt cá là bức xúc, lo lắng về những nguy hiểm mà họ đối mặt trên biển. Và họ thường đặt câu hỏi Cảnh sát biển có thể làm thế nào bảo vệ ngư dân của mình trên biển? Nhất là những tình huống phức tạp va chạm tàu thuyền nước ngoài lớn hơn, uy hiếp bằng sức mạnh của tàu lớn đối với tàu bé thô sơ của ngư dân ta?

Là đơn vị trực tiếp hoạt động trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam hàng ngày hàng giờ phối hợp các lực lượng hỗ trợ ngư dân. Hỗ trợ nhân dân trong lúc đánh bắt cá trên biển, khi tàu hư hỏng hay con người bị thương tích. Đặc biệt ở vùng biển nhiều tranh chấp Cảnh sát biển thường xuyên có mặt để tạo chỗ dựa, tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm.

{keywords}
Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam

Ngoài việc tuần tra, kiểm tra kiểm soát, duy trì việc thực thi pháp luật trên biển, thì từ Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tới Bộ tư lệnh các vùng, các cụm đặc nhiệm trong toàn lực lượng đều xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển chính là mệnh lệnh không lời. Chia sẻ với VietnamNet, Đại tá Trần Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển kể, "có những cơn bão trong khi bà con chạy vào bờ để tránh, thì lực lượng Cảnh sát biển lại vươn ra ngoài bão để cứu ngư dân”.

Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu quả quyết, “khi bà con gặp nạn, chúng tôi coi bà con như người thân để dốc sức tìm kiếm, cứu nạn. Tiến hành cứu nạn ngư dân bị thương trên biển đưa vào đất liền, dù một người chúng tôi cũng có thể dùng cả chuyến tàu đưa về đất liền vì cứu người là trên hết”.

Đồng hành cùng ngư dân bám biển

Việt Nam có vùng biển hơn 1 triệu km vuông. Trong chiến lược biển, xác định mạnh từ biển, giàu vì biển. Muốn vậy chúng ta phải khai thác biển và đặc biệt bảo vệ tổ chức ngư dân khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển. Chúng ta vận động nhân dân đánh bắt có những vùng xa hàng trăm hải lý trong điều kiện thời tiết luôn có biến động.

{keywords}
Cảnh sát biển hỗ trợ lương thực, thuốc men, nước ngọt cho tàu cá

Trên thực tế, ngư trường người dân Việt Nam khai thác cũng là ngư trường nước ngoài khai thác, đội tàu cá, ngư dân ta ra khơi đánh bắt hải sản đóng góp khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Ngư dân rất tích cực vừa hoạt động kinh tế vừa khẳng định bảo vệ chủ quyền. Bảo vệ chủ quyền là bất biến, là thiêng liêng của mỗi người con đất Việt, chúng ta phải ủng hộ và bảo vệ ngư dân bám biển.

Trong bối cảnh hiện nay tại Biển Đông, nếu mỗi ngư dân, mỗi tàu thuyền đánh bắt là một "cột mốc sống" thì lực lượng Cảnh sát biển cũng giống như một cột mốc, một chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật. Họ cũng là một cột mốc đảm bảo lợi ích hợp pháp quốc gia trên biển.

"Đồng hành với chúng tôi luôn có ngư dân, bà con đóng vai trò to lớn trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển. Mỗi tổ đội đánh bắt của ngư dân ở những ngư trường truyền thống giống như làng bản trên đất liền. Khi họ xuất hiện với những lá cờ trên tàu, họ giống như cột mốc di chuyển trên biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm. Ngư dân giống như con mắt tiền tiêu, những trinh sát viên cung cấp cho Cảnh sát biển và các lực lượng khác trong việc duy trì thực thi pháp luật trên biển có được thông tin nhanh nhất về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển", Đại tá Trần Văn Hậu nhấn mạnh.

Minh Thành - Phương Cúc