Trải qua ba cấp học dài 12 năm trời, tôi đã được rất nhiều thầy cô dạy bảo. Có những thầy cô truyền cho tôi những kiến thức, bài học làm người, và tôi luôn thấy xúc động mỗi lần nghĩ đến. Nhưng cũng vài thầy cô đã để lại kí ức buồn, khó quên mà tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Nó in hằn trong đầu tôi sâu đậm không kém gì những kỉ niệm vui.

TIN LIÊN QUAN


 "Cho chừa"

anhMinhNhut.jpg
Ảnh: Minh Nhựt.
Đó là năm tôi học lớp 9. Cô giáo dạy môn Vật lý nổi tiếng nghiêm khắc. Tôi đã rất cố gắng trong suốt năm học, làm bài, học bài đầy đủ để không làm cô phật lòng.

Vào tháng 3, khi năm học cuối cấp 2 gần chấm dứt, một chuyện xảy ra làm tôi chỉ ước gì thời gian qua nhanh để không học cô nữa.

Bữa đó, tôi trực nhật. Vì bạn kế bên nghỉ học nên tôi trực một mình. Tiết thứ tư học môn Vật lý. Mọi chuyện bình thường cho đến khi cô cầm khăn lau bảng. Cô hỏi ai trực lớp mà để khăn lau bảng ướt nhẹp. Tôi vội vàng lên lấy khăn lau và chạy đi xả khăn. Vào lớp, tôi đặt khăn lau lên chỗ để và về nơi ngồi.

Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm thông minh mà mình đã từng biết, từng trải qua. Các bài viết được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ  email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội
Cô giáo cầm giẻ lên và quát: "Sao cái khăn vẫn còn ướt nhẹp thế này?". Tôi nhớ rõ ràng đã vắt khăn hết sức, không hiểu sao cô vẫn chưa vừa ý.

Cô ngoắc tôi và bảo: "Con nhỏ kia lên đây". Không khí cả lớp căng thẳng. Cô gọi tôi đứng giữa lớp và bảo tôi chụm hai bàn tay lại, lòng bàn tay đưa lên mở ra.

Khi tôi chưa kịp hiểu gì, cô vắt chiếc khăn. Nước từ cái khăn lau bảng qua hơn 3 tiết học đổ hết vào hai bàn tay, rơi xuống dưới chân tôi. Tôi bất ngờ, thảng thốt trước hành động của cô.

Rồi, cô quay đi và nói: "Cho chừa". Tôi không hiểu sao cô có thể làm vậy với một nữ sinh lớp 9.

Cái khăn lau bảng dù giặt thế nào chăng nữa, trong nhà vệ sinh không có xà bông thì làm sao sạch sẽ được.

Đã thế, sau đó khi tôi xin ra ngoài để rửa tay, cô nhất quyết không cho.

Về nhà, tôi buồn và khóc rất nhiều. Ba mẹ đã định gặp riêng cô, nhưng tôi không muốn vì sợ cô chỉ ghét mình thêm.

 "Em vắt khăn thế này nè..."

Tôi đã cố quên đi kỉ niệm buồn ấy. Thế nhưng vào năm lớp 11, một chuyện tương tự cũng xảy ra. Cũng cái khăn lau bảng vắt chưa khô. Tôi không hiểu sao mình luôn vướng vào chuyện này.

Tiết học đó, do giảng bày nhiều, khăn khá dơ, thầy giáo kêu tôi đi giặt giẻ. Về đến lớp, thầy cầm cái khăn và bảo "Khăn ướt thế này lau bảng lâu khô lắm".

Ngay lập tức, chuyện năm xưa ùa về lại trong đầu làm tôi thẫn thờ mấy giây. Và rồi, thầy kêu tôi ra khỏi lớp, thầy cầm khăn đi ra với tôi. Ngay cửa lớp, có một thùng rác.

Thầy cầm khăn lau bảng và ân cần nói: "Em vắt khăn thế này nè. Đấy! Em thấy không? Như thế khăn mới khô, lau sẽ sạch hơn".

Thầy vừa vắt khăn, vừa nói với tôi như thế. Thầy vắt khăn để nước rơi vào thùng rác và còn kêu tôi đứng xa xa một chút để nước văng ra, không làm dơ áo dài.

Tôi xúc động, cám ơn thầy mà nước mắt chực trào vì lòng bao dung của người thầy đáng kính.

Thế đấy, cũng một hoàn cảnh, mà 2 thầy cô đã có những ứng xử khác nhau. Giá như, cô giáo Vật lý cũng như thế. Giá như, cô đừng làm thế thì tôi đã yêu quí cô biết mấy. Cô giảng bài rất hay, nhưng với tôi một giáo viên có dạy hay đến thế nào, thì cái tâm, trái tim mới là điều quan trọng nhất.

Tôi đã học được một bài học quí giá từ người thầy dạy toán. Đó là lòng bao dung, hiền từ với mọi điều trong cuộc sống.

  • Lâm Phương (TP.HCM)