Việc bị vặt gương, “chôm” logo, tháo cần gạt nước đang diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”. Chủ xe chỉ có thể hạn chế vấn nạn này bằng những biện pháp phòng trước.
Trong vô vàn “nỗi khổ” của người sử dụng ôtô ở Việt Nam như tắc đường, tìm bãi đổ xe,… tình trạng bị chôm đồ được xem là nỗi kinh hoàng nhất. Trong đó, các “đồ” mà đạo chích hay nhắm đến nhất là đôi gương, biển số, nẹp, chữ, cần gạt nước, logo và thậm chí cả bánh xe.
Khi sử dụng xe hơi, không phải chủ nhân nào cũng có điều kiện để xây gara riêng nên phải để xe ngoài cổng, sân chung cư hay lề phố. Điều đó càng tạo điều kiện cho những kẻ chuyên đi săn đồ. Cách tốt nhất là chủ xe nên có biện pháp phòng trước để “bảo vệ” phụ tùng trên chiếc xe của mình.
1. Bảo vệ gương chiếu hậu
Gương chiếu hậu là "món" phụ tùng mà bọn đạo chích ưa thích nhất vì chúng rất dễ "vặt", thao tác nhanh mà bán lại rất được giá. Những chiếc ô tô đắt tiền thì giá trị của cặp gương chiếu hậu có khi lên đến hàng chục triệu đồng. Do đó, nó chẳng khác gì “miếng mồi” béo bở cho những kẻ chuyên đi vặt phụ tùng ôtô. Để bảo vệ chiếc gương chiếu hậu có rất nhiều cách: công nghệ cao có, thủ công cũng có.
Nhiều người gắn thiết bị báo động có âm thanh vào trong củ gương |
Cách phổ biến nhất là chủ xe có thể đến các gara ôtô yêu cầu luồn cáp vào trong cả 2 củ gương và gắn đai inox bảo vệ mặt gương. Nhiều người còn gắn thiết bị báo động có âm thanh vào trong củ gương, sợi dây xích được luồn cùng với dây điện điều khiển môtơ gương rồi buộc lại với phần vỏ xe. Khi gương bị bẻ thì sợi dây sẽ kéo chốt công tắc để kích hoạt thiết bị báo động.
Cách khác là khắc số lên gương. Dãy số được khắc trên mặt gương để nhận dạng là dãy số trên biển số của chiếc xe đó. Dãy số này sẽ được khắc bằng axit chuyên dụng và không thể tẩy xóa. Khi nhìn thấy dãy số này bọn trộm sẽ chùn tay vì các cửa hàng bán phụ tùng thu mua những chiếc gương này sẽ đồng nghĩa với việc tiêu thụ đồ ăn cắp.
2. Bảo vệ bánh xe
Đối với những người phải để xe ngoài đường vào ban đêm, thì những biện pháp bảo vệ bằng các thiết bị điện tử sẽ không có nhiều tác dụng, đặc biệt là với bánh xe.
Do vậy, việc kết hợp thiết bị bảo vệ với khóa xe cơ học cũng là một giải pháp không tồi. Trước khi bỏ xe lại ngoài đường, bạn có thể dùng khóa xích để liên kết các bánh xe lại với nhau. Hoặc gắn thêm bu-lông chống trộm bánh xe, khi gắn bu-lông này bọn trộm rất khó vặn ốc bánh xe ra bằng các dụng cụ thông thường.
3. Bảo vệ logo
Logo tuy không có nhiều giá trị vật chất nhưng nếu để mất thì đồng nghĩa với việc làm mất thẩm mỹ của chiếc xe. Do đó, để phòng ngừa trường hợp bị mất trộm, chủ xe nên bắn đinh quanh logo hoặc dán keo AB.
4. Bảo vệ cần gạt nước
Cần gạt nước cũng không ngoài tầm ngắm của những tên trộm vặt. Để chế bộ bảo vệ cần gạt nước, chủ xe cần chuẩn bị 2 vỏ lon bia. Sau đó, lấy phần đáy lon, cắt tròn, chu vi vừa bằng cái nút cao su ở cần gạt nước. Tiếp theo, cậy nắp cao su của ốc rồi bơm đầy silicon lên cái lỗ có con ốc. Cuối cùng, đậy cái nắp bằng lon bia vào, ấn mạnh cho nó xuống sâu và đợi khô hẳn.
Cần gạt nước cũng cần bảo vệ |
5. Lấy độc trị độc
Chợ trời là nơi tiêu thụ phụ tùng ăn cắp nhưng cũng chính là nơi bán các loại đồ chống trộm. Các thiết bị chống trộm gương ôtô tại chợ trời rất ấn tượng và đa dạng như ốp inox, súng bắn đinh rút, dao lam, dây xích giữ củ gương và đinh ghim nhọn hoắt có thể gắn vào gương. Với những trang bị này, khi kẻ gian luồn tay bóc mặt gương sẽ bị dao lam cứa, đinh đâm … và chúng sẽ từ bỏ ý định ăn trộm.
6. Cảnh giác
Tìm chỗ đậu xe an toàn là bước đầu tiên nên áp dụng để bảo vệ tài sản của mình. Nếu bắt gặp nơi để xe có người trông giữ gần đích đến, đừng ngại đi bộ và tiếc một khoản chi phí nhỏ cho người giữ xe. Trường hợp phải đỗ xe ngoài đường (không có người trông), thì không nên chọn những nơi tối tăm, hẻo lánh và vắng người qua lại.