Văn hóa công cộng và nói riêng là văn hóa giao thông đang bị xem nhẹ. Từ những vụ việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng đã dẫn đến hậu quả đau lòng.

Ngày 21-6, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên y án 20 năm tù đối với Nguyễn Thành Duy (SN 1981, quê Hải Phòng) về tội "Giết người". Chỉ vì vài tiếng còi xe nôn nóng, thiếu kiềm chế đã gây ra hệ lụy nặng nề: Người chết, người vào tù.

Nghe còi xe là điên đầu

Vụ việc xảy ra vào chiều 19-8-2016. Duy chạy xe máy lưu thông trên Quốc lộ 22 và dừng tại ngã tư Nguyễn Văn Bứa - Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn, TP HCM). Tuyến đường này đang bị kẹt xe nhưng anh Bùi Liên Vũ (SN 1984) đi phía sau Duy vẫn bóp còi liên tục làm nhiều người đi đường bức xúc. Duy nhắc nhở và xảy ra mâu thuẫn với anh Vũ. Khi đường thông, Duy bỏ đi thì anh Vũ đuổi theo chặn đầu xe đánh. Quá tức giận, Duy rút dao đâm anh Vũ 4 nhát chết tại chỗ và đến cơ quan công an đầu thú.

Sau bản án trên, dư luận khá xôn xao. Nhiều người bày tỏ chia sẻ, tuy không đồng tình với hành vi phạm tội trên nhưng cũng lên án hành vi xem thường người khác khi đi đường. "Trời nắng gắt, đường sá đông đúc nhưng ai cũng muốn vượt lên người khác, bóp còi inh ỏi thì khó có thể chấp nhận. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng gây gổ với người khác chỉ vì muốn giành lợi thế cho mình, tranh thủ vượt ẩu" - ông Hoàng Văn Bổn, giáo viên ở quận 4, TP HCM, bày tỏ. Ông Bổn cho biết rất nhiều lần ông dừng ở ngã tư khi đèn vừa chuyển màu vàng liền bị người khác la mắng, chửi thề. Có lần còn bị một thanh niên đòi đánh chỉ vì ông không đi khi đèn chưa bật xanh.

Một trường hợp khác, TAND TP HCM vừa hoãn xét xử vụ "thiếu gia" Lê Long Trực giết người trên đường Pasteur (quận 1, TP HCM). Vụ việc xảy ra vào đầu năm 2016, khi đang dừng ô tô BMW tại ngã tư Lê Lợi - Pasteur, Trực nghe tiếng còi xe máy inh ỏi phía sau do ông Lê Minh Triết điều khiển. Ông Triết còn gõ vào cửa kính yêu cầu vượt lên phía trước. Bực tức, Trực bước ra khỏi xe đánh ông Triết. Sau khi mọi người can ngăn, cả hai người tiếp tục đi nhưng chỉ được một đoạn, ông Triết lại đạp vào xe của Trực. Trực ép xe ông Triết vào lề, xông ra đánh ông Triết bị thương. Nạn nhân phải nhập viện cấp cứu nhưng chấn thương quá nặng nên đã tử vong.

{keywords}

Bị cáo Lê Long Trực đã đánh chết người do mâu thuẫn khi đi đường 


Có nên xem là hành vi côn đồ!

Trở lại vụ án của Nguyễn Thành Duy, mặc dù cấp phúc thẩm thừa nhận trong vụ án này bị hại cũng có một phần lỗi, đó là lúc đường đang bị kẹt xe nhưng vẫn bấm còi liên tục và đánh bị cáo trước. Tuy nhiên, HĐXX vẫn cho rằng hành vi của bị cáo "mang tính chất côn đồ" nên đã tuyên mức án như đã nêu trên.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng hiện chưa có quy định chế tài hành vi bóp còi inh ỏi và gây gổ trên đường. Những vấn đề trên thuộc về văn hóa ứng xử nên khó định lượng được ranh giới giữa việc sử dụng còi hợp lý và gây hấn với người khác.

Thế nhưng, trong vụ việc cụ thể trên, liệu Duy có hành vi côn đồ như tòa kết luận? Theo những quy định hiện hành, giải thích về tình tiết "có tính chất côn đồ" như sau: Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những người coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người... (trang 141, 142 tập các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng năm 1996).

"Trong vụ án này, bị cáo không chủ động gây gổ, kiếm chuyện để thực hiện hành vi phạm tội mà còn bỏ đi để tránh sự va chạm không cần thiết có thể xảy ra. Chỉ đến khi người bị hại chặn xe và dùng vũ lực tấn công thì bị cáo mới dùng dao đâm bị hại. Từ đó, bản án 20 năm tù cho bị cáo là khó thuyết phục" - luật sư Hồ Ngọc Diệp nói.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ (trong đó có thể áp dụng tình tiết người bị hại cũng có lỗi) thì theo quy định tại điều 47 Bộ Luật Hình sự, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (đối với tội giết người thì khung hình phạt liền kề là phạt tù từ 7 đến 15 năm). Mức án 20 năm tù có thể xem là quá nghiêm khắc với bị cáo.

Hạn chế âm lượng

Cũng sống chung với căn bệnh loạn còi xe trên đường chưa tìm được thuốc chữa suốt nhiều năm qua, chính phủ Ấn Độ đang tập trung vào giải pháp cắt giảm mức cường độ âm thanh tối đa còi xe lưu thông trên đường. Bộ Giao thông đường bộ nước này đặt mục tiêu trước tiên phải giới hạn cường độ âm thanh còi xe tối đa xuống dưới 100 dB.

Giới chuyên gia cảnh báo phơi nhiễm thường xuyên với âm thanh cường độ trên 93 dB trong vòng khoảng 8 giờ có thể gây nên chứng mất thính giác không thể hồi phục. Tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), giới hạn âm thanh còi xe nằm trong khoảng từ 93 dB tới 112 dB trong khi ở Úc và Canada, tiếng còi xe không được vượt quá mức 104 dB.

Ý KIẾN

Ông Jean Marc Potlet, du khách Pháp:

Gây ức chế

Tôi và bạn bè tới Việt Nam du lịch nhiều lần và đã không khỏi sốc khi chứng kiến sự hỗn loạn của còi xe trên đường phố nơi đây. Bản thân tôi vì rất yêu Việt Nam nên cũng có lúc cảm thấy tiếng còi xe rất vui tai bởi ở Pháp hầu như chỉ nghe thấy tiếng còi xe vào dịp lễ hội hay đám cưới. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, những tiếng còi xe không đúng chỗ ở Việt Nam khiến chúng tôi ức chế.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:

Bài học nhãn tiền

Pháp luật có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Song việc thực thi quy định trên là rất khó. Có thể thấy ý thức kém trong tham gia giao thông cùng với sự nóng nảy, thiếu kiềm chế, thiếu nhường nhịn của người tham gia giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc. Hy vọng sự việc này sẽ là bài học nhãn tiền cho mọi người, biết kiềm chế và tôn trọng pháp luật khi tham gia giao thông.

Ông Bùi Việt Thành, Trường ĐH KHXH & NV TP HCM:

Hãy học hỏi những quốc gia lân cận

Những vụ việc trên, một lần nữa là hồi chuông báo động đến người dân đô thị về sự căng thẳng đang vượt ra khỏi các quy định của xã hội. Sự căng thẳng làm cho cuộc sống của con người thiếu đi sự hòa hợp giữa những gì nền văn hóa đòi hỏi với cấu trúc xã hội cho phép.

Việt Nam có nhiều quy định về tham gia giao thông nhưng thiếu sự chế tài, kiểm soát. Bởi vậy, nhiều người dùng còi xe vô tội vạ (còi cho vui, còi để người khác tránh xa mình đi cho khỏe hay thậm chí còi để hối thúc vượt đèn đỏ...); trong đó, bấm còi xe liên tục khi kẹt xe trở thành nổi ám ảnh, dễ gây căng thẳng nhất. Hệ quả của chuyện này đã vượt tầm kiểm soát.

Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm đến hiện tượng này, xây dựng các quy định, chế tài để kiểm soát triệt để. Văn hóa ứng xử nơi công cộng không thể ngày một ngày hai là có được. Nó phải được giáo dục, rèn giũa trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Những hành vi sai trái phải sớm được điều chỉnh và có biện pháp ngăn chặn thì lâu dần mới tạo thành thói quen, phản xạ tốt khi ứng xử với cộng đồng.

Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu các quy định sử dụng còi xe tại các nước như Thái Lan, Malaysia, Lào... để có thể áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Người dân ở các nước trên rất có ý thức sử dụng còi xe chừng mực.


(Theo Người lao động)