Tại các đô thị lớn, khi quỹ đất dùng cho giao thông tĩnh hầu như không có, đất chật người đông, câu chuyện đỗ xe luôn căng thẳng như một cuộc chiến… Đỗ sai quy định thì bị chửi là ngu, đỗ đúng quy định thì cũng “chết” vì mức phí đắt đỏ.

Lái xe ở Hà Nội: Dễ bị mang tiếng ‘ngu’

Đỗ xe đúng nơi quy định thể hiện ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời, đó cũng là cách để bạn bảo vệ xe của mình khỏi cơn thịnh nộ của những người dân nóng tính.

Còn nhớ, vào 6/2016, một đoạn video được phát tán trên mạng internet ghi lại cảnh một thanh niên - chủ của chiếc xe Chrysler màu trắng - đã bực tức đập phá một chiếc xe màu xanh đen vì chiếc xe đã đỗ vướng ngay trước đường đánh xe ra của anh chàng này. Không chỉ dừng ở việc đập vỡ gương chiếu hậu, phá kính xe, thanh niên nóng tính này còn gọi cả xe trộn bê tông đến và đổ đầy bê tông vào bên trong khoang lái của chiếc xe.

Mới đây, vụ việc chiếc xe ô tô Innova của một vị giám đốc người Nhật Bản bị một người đàn ông dùng gạch đập vỡ kính và gương chiếu hậu khi đỗ tại đường Trúc Khuê, Đống Đa, Hà Nội chiều 2/7 đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Ở Việt Nam, trên các diễn đàn về ô tô xe máy, có tới hàng chục lời phàn nàn mỗi ngày do hiện tượng chủ xe đỗ xe vô tội vạ, không đúng nơi quy định, chắn trước cổng nhà, cửa hàng, lối đi của người khác, gây bức xúc. Chủ đề xử lý những xe đỗ sai vị trí và "vô duyên" như thế này cũng thường xuyên được đưa ra bàn luận.

Có người lựa chọn cách thức nhắc nhở nhẹ nhàng bằng cách cài tờ giấy lên kính lái xe, nhằm nhắc nhở tài xế lần sau đỗ xe có ý thức hơn, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người khác.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại chọn cách cực đoan hơn như viết, vẽ bằng bút xóa, sơn hay vạch tô vít lên xe bằng ngôn từ nặng nề, thậm chí chửi tài xế là “đồ ngu” khiến chủ xe vừa xấu hổ, vừa mất nhiều thời gian để lau rửa vết chữ, nặng hơn là đi sơn lại vỏ xe. Người khác thì chọn cách đặt một viên gạch lên kính lái để "cảnh cáo".

Trong quá khứ, câu chuyện đã từng xảy ra tại phố Hoàng Ngân, Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) cũng có thể coi là một bài học cho các tay lái. Cụ thể, chủ xe Hyundai đi vào trong ngõ 124, đã dừng đỗ xe trước cửa một ngôi nhà. Sau khoảng 1 tiếng quay lại, phát hiện ra chiếc xe của mình bị vạch đầy sơn trắng. Anh ta đã gọi cảnh sát, tố cặp vợ chồng chủ nhà vẽ bậy lên xe. Chủ nhà cũng thừa nhận hành vi vẽ chi chít lên ô tô ở mặt trước, thân và đuôi xe. Sau khi công an tới làm việc, cả 2 bên đều bị phạt.

Đối với các chủ xế hộp, việc tìm được chỗ gửi xe từ lâu đã luôn là một bài toán khó khi quỹ đất dùng cho giao thông tĩnh hầu như không có.

{keywords}

Đỗ xe sai quy định, các chủ xe dễ bị mang tiếng "ngu".

Chị Vũ Lan Anh ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội rất ngại mỗi khi phải lái xe lên các tuyến phố nội thành, vì tìm được chỗ đỗ ô tô ở đây đã khó, nhưng để đỗ được xe còn khó hơn.

Chị Lan Anh cho biết, nhiều hôm đi làm, đánh xe lên phố loay hoay cả tiếng đồng hồ mà không tìm được chỗ đỗ xe. Tiến lên thì nhà này ra xua, nhà khác ra quát mắng, lùi lại cũng không xong vì lại vướng cửa hàng nhà khác.

Theo ý kiến của một chuyên gia về công nghệ ô tô, Việt Nam lâu nay chưa có tư duy làm hạ tầng cho ô tô. Nhiều con đường mới mở dài cả chục km ở Hà Nội chẳng thấy có một bãi đỗ xe. Các khu đô thị mọc lên san sát, cũng không có bãi đỗ xe. Tất cả cứ đỗ xe ra ngoài đường, gây ách tắc giao thông.

Không ngu thì…cũng "chết"

Thành phố đất chật người đông, không có chỗ gửi xe, các chủ xế hộp phải tiện đâu đỗ xe đó, bị mang tiếng là “ngu”; chuyện bị đập kính, bẻ gương hay bị viết chi chít lên xe,... không còn hiếm. Tại một số nơi, khi các điểm trông giữ xe “lưu động” mọc lên như nấm, người dân lại được một phen kêu trời vì… mất tiền phí.

Còn nhớ, vào tháng 4/2016, quanh khu đô thị The Manor (Mễ Trì, Hà Nội) “mọc” lên vô số biển trông giữ xe của UBND quận Nam Từ Liêm và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Từ những đoạn đường nối rất nhỏ như Mễ Trì ra Trần Văn Lai, đường Vũ Quỳnh, Đỗ Đình Thiện tới trước cửa Villa E, Villa D của The Manor và cả những đoạn không có tên đường quanh khu vực tòa nhà Big C The Garden cũng xuất hiện hàng chục tấm biển trông giữ xe.

Những tưởng như thế là tiện cho dân nhưng cư dân quanh khu vực này lại la ó, bức xúc.

Ông Bùi Đình Lữ, cư dân sống tại tòa B The Manor chia sẻ: “Buổi sáng, tôi đỗ xe trước cửa quán cà phê Highland – dưới chân tòa nhà, để uống một cốc cà phê, thậm chí, chỉ dừng một lát, mua một cốc take away rồi đi làm luôn. Buổi trưa về, tôi không mang xe xuống tầng hầm vì mất công, tôi dựng tạm xe ở dưới đường để lên phòng lấy đồ rồi đi. Thậm chí, dừng xe mua một gói tăm, vậy mà chỉ nhoáng một cái là họ đòi thu tiền 25.000 đồng cho một lần đỗ xe”.

{keywords}

Nhiều chủ xe biết có bãi gửi xe gần đó nhưng không dám gửi vì quá tốn kém.

Anh Văn Thắng, chủ chiếc xe Hyundai Grand i10, tài xế lái xe Uber tâm sự: “Nhiều khi vẫn biết đậu xe ở vị trí đó là sai so với quy định nhưng có những trường hợp “vạn bất đắc dĩ”. Bởi lẽ, cánh tài xế chúng tôi, mỗi ngày chạy 15 – 20 cuốc, may mắn thì gặp khách, được đi luôn, không may thì khách bắt phải đợi. Đôi khi đợi tới 30 phút đồng hồ, nếu cứ tìm bãi gửi xe thì mỗi ngày, chúng tôi phải trả bao nhiêu tiền phí gửi xe cho vừa”.

Còn chị Thúy Hạnh, người lái chiếc xe Kia màu trắng cũng bộc bạch nỗi khổ riêng của một chủ “xế hộp”: “Nhà tôi ở phố Ngọc Khánh (Hà Nội), mỗi tháng phải rút hầu bao 2,5 triệu đồng/xe để trả cho người trông giữ hộ. Nhiều nhà phải gửi xe ở nơi xa nhà tới 2-3km. Đi bộ từ nhà ra bãi gửi xe đã đủ mệt mà giá cả thì quá “chát”. Nếu chẳng may gương hay camera của xe bị vặt thì nơi trông xe cũng không chịu trách nhiệm”.

Thậm chí, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì lái xe có quyền đỗ ở những chỗ không cấm đỗ nhưng không ít trường hợp, các chủ xe lại buộc phải tuân theo “luật rừng” nếu không muốn nhận “trái đắng”.

Đơn cử như trường hợp của một tài xế đậu ôtô ở khu vực không cấm dừng, đỗ để vào một trụ sở trên đường Láng, lát sau, người đàn ông tay cầm bộ đàm đến và đề nghị thu tiền giữ xe. Tài xế ôtô ngạc nhiên, hỏi: "Em để xe ở nơi không cấm dừng, đỗ, sao lại bắt trả tiền?". Lập tức, người đàn ông nói: "Vậy em có đồng ý tụi anh trông xe hộ không? Nếu không cần, ra gương vỡ hoặc mất, xe bị làm sao thì kệ em nhé".

Sau một lúc tranh cãi, cuối cùng tài xế buộc phải đưa 30.000 đồng cho một nam thanh niên để tránh bị bẻ gương, đập kính. Khi được hỏi bên nào đứng ra trông xe thì người này ấp úng và nói "đây là khu đường bọn em hết".

(Theo Viet Q)