Mẫu bán tải Ford Ranger dẫn đầu phân khúc pick-up 3 năm liên tiếp và nửa đầu 2017 cũng không phải ngoại lệ khi có gần 7.000 xe được tiêu thụ.

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), kết thúc nửa đầu 2017, doanh số cộng dồn của dòng bán tải Ford Ranger đạt 6.982 chiếc. Trung bình mỗi tháng có hơn 1.160 xe đến tay khách hàng Việt. Tháng 1, Ford Ranger đạt doanh số cao nhất với 1.342 chiếc bán ra. Tháng thấp nhất là tháng 2 cũng đạt 820 xe.

Doanh số ấn tượng này giúp Ford Ranger duy trì vị thế dẫn đầu phân khúc bán tải không chỉ nửa đầu 2017 mà còn trong 3 năm liên tiếp. Trong top 10 ôtô bán chạy nhất 6 tháng đầu 2017 ở Việt Nam, Ford Ranger xếp vị trí thứ 3 chỉ sau Vios và Fortuner của Toyota.

{keywords}

Ford Ranger xếp thứ 3 trong top 10 ôtô bán chạy nhất nửa đầu 2017 ở Việt Nam.

Cũng theo số liệu từ VAMA, với 6 dòng bán tải được công bố doanh số gồm Chevrolet Colorado, Mitsubishi Triton, Toyota Hilux, Isuzu D-Max, Ford Ranger và Mazda BT-50, thị phần của Ford Ranger trong nửa đầu 2017 đạt 61,1%. Một dòng bán tải khác có mặt trên thị trường nhưng doanh số không được hé lộ là Nissan Navara. Mặc dù vậy, khi có thêm sự cạnh tranh từ Navara, thị phần của Ford Ranger vẫn đạt hơn 56%.

Theo chia sẻ từ nhân viên bán hàng của một số đại lý Ford tại Hà Nội, sở dĩ Ranger hút khách trong những năm gần đây là bởi tính đa dụng, linh hoạt trong việc chuyên chở hàng hóa và du lịch cùng gia đình. Ngoài ra, sự có mặt đúng thời điểm của phiên bản Ranger mới cũng thúc đẩy doanh số bán hàng của dòng xe này.

"Trước năm 2012, doanh số của Ford Ranger khá bình thường. Tuy nhiên, từ khi có phiên bản nâng cấp mới, Ford Ranger thu hút khách hàng hơn so với các mẫu bán tải khác", anh Trịnh Phương, một nhân viên đại lý Ford ở Hà Nội chia sẻ.

{keywords}

Ford Ranger tạo một khoảng cách lớn về doanh số so với các đối thủ cùng phân khúc.

Một lý do khác không chỉ Ford Ranger mà các mẫu bán tải khác đều được hưởng tại thị trường Việt Nam là thuế trước bạ quy định chỉ ở mức 2%, thấp hơn rất nhiều so với mức 10-15% của các dòng xe du lịch. Số tiền cho khoản thuế này chỉ dưới 20 trệu đồng với một phiên bản có mức giá 900 triệu đồng. Trong khi đó, với xe du lịch tầm giá này, khách hàng phải chi thêm gần 100 triệu đồng.

Tin đồn về việc áp mức thuế trước bạ của xe bán tải như xe du lịch thời gian gần đây cũng ảnh hưởng khá lớn đến doanh số của Ford Ranger nói riêng và các mẫu bán tải nói chung.

Theo chia sẻ của đại diện một đại lý Ford, hiện tượng "mua xe chạy thuế" cũng xuất hiện với dòng bán tải. Nhiều người lo ngại tăng thuế nên đã quyết định mua bán tải ngay thay vì chờ đợi.

Mặc dù vậy, giới kinh doanh nhận định về lâu dài, nếu mức tính thuế trước bạ với bán tải áp dụng như xe du lịch sẽ khiến doanh số xe bán tải giảm mạnh.

{keywords}

Thị phần của Ford Ranger cũng chiếm hơn một nửa dòng bán tải trong 6 tháng đầu 2017.

Trong thị trường xe bán tải Việt Nam nửa đầu 2017, ngoài sự vượt trội của Ford Ranger, Mazda BT-50 và Chevrolet Colorado là 2 model có sự tăng trưởng về doanh số. Với tổng doanh số gần 1.400 xe bán ra, thị phần của Mazda BT-50 chiếm khoảng 11,9%. Trong khi với gần 1.200 xe được tiêu thụ, thị phần của Chevrolet Colorado chiếm khoảng 9,9%.

Các dòng bán tải bán chậm và chiếm ít thị phần là Isuzu D-Max và Toyota Hilux. Ở 2 dòng xe này, Toyota Hilux phiên bản nâng cấp mới ra mắt hồi cuối 2016 từng được đặt nhiều tham vọng cạnh tranh và chiếm thị phần của Ford Ranger. Tuy nhiên, sau nhiều tháng lên kệ, sự chênh lệch doanh số giữa Ranger và Hilux khá lớn.

Ở nửa cuối 2017, thị trường bán tải được cho vẫn khá sôi động. Những dòng xe như Chevrolet Colorado hay Nissan Navara với sự cải tiến về thiết kế và giảm giá liên tục được dự báo sẽ cạnh tranh mạnh với Ford Ranger. Tuy nhiên, giới kinh doanh nhận định vị thế quán quân của dòng xe này vẫn sẽ khó bị lung lay.

(Theo Zing News)