Tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành Máy tính và hệ thống nhúng (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM) cùng niềm yêu thích xe ô tô, chế robot đua xe điều khiển cầm tay, Nguyễn Đức Linh (SN 1994) cùng đồng đội miệt mài xây dựng phần mềm công nghệ xe tự hành không người lái và bước đầu đạt được thành công.
Nguyễn Đức Linh là một trong những người trẻ thuộc thế hệ 9X của đội nghiên cứu và phát triển phần mềm công nghệ xe tự lái ADAS (Advanced Driver Assistance Systems) thuộc FPT Global Automotive. ADAS là những hệ thống giúp người điều khiển phương tiện lái xe an toàn và thuận tiện hơn. ADAS phát sinh nhiều bài toán nghiên cứu quan trọng về phát triển các loại cảm biến, xử lý thông tin cảm biến, phát hiện và theo dõi người đi bộ và xe cộ, phân tích hành vi...
Kỹ sư Nguyễn Đức Linh đang khởi động hệ thống tự lái cho xe chuẩn bị chạy. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ về đội, Linh cho hay: "Ban đầu đội mình có 10 người, đến nay 12 người đều tập trung làm phần mềm, trong đó mỗi người phụ trách làm một module, rồi ghép lại thành hệ thống hoàn chỉnh". Bản thân Linh trực tiếp tham gia thiết kế hệ thống điều khiển, vi điều khiển đảm bảo sự giao tiếp giữa các bộ phận điều khiển. "Các bạn làm cơ khí xong thì đến phần của em, viết phần mềm để điều khiển các thiết bị gắn trên cơ khí; đọc các dữ liệu các cảm biến từ xe gửi về, dữ liệu camera để đưa ra quyết định lái", Linh nói.
Giải thích rõ hơn, Linh cho biết những hệ thống điều khiển này giúp điều khiển chiếc xe vận hành đúng. Chẳng hạn, tài xế đánh lái quá góc mong muốn đòi phải trả về được giá tri cần thì cần có hệ thống phản hồi các cảm biến về góc lái.
Sau một năm nghiên cứu, nhóm của Linh đã bước đầu thử nghiệm thành công trên ô tô 4 chỗ |
Sau một năm nghiên cứu, tháng 10/2017, phần mềm công nghệ xe tự hành lắp trên xe ô tô 4 chỗ đã chạy thử nghiệm với tốc độ 25km/h. Trong quá trình di chuyển, xe tự căn làn, chủ động rẽ trái/phải theo vạch đường cũng như xác định đối tượng trên đường và băng qua đường để tự động phanh và vòng tránh vật cản.
Với khả năng tự căn làn, chủ động rẽ trái/phải theo vạch đường, xác định đối tượng trên đường và băng qua đường theo công nghệ học máy, tự động phanh và vòng tránh vật cản, năng lực công nghệ xe tự lái của FPT đang hướng tới cấp độ 2 trong tổng số 5 cấp độ của Hiệp hội Kỹ sư ô tô Hoa Kỳ- SAE.
Hiện nhóm Linh đang làm mới hệ thống lái, thiết kế phiên bản mới và bật mí "vài tháng nữa sẽ ra mắt". Mong muốn của cả đội là nâng cấp cho chiếc xe chạy hoàn hảo hơn và có thể điều khiển bằng giọng nói.
Đam mê và kiên trì
Điều bất ngờ đội 10 người của Linh thì quá nửa tham gia dự án nghiên cứu và phát triển phần mềm công nghệ xe ô tô tự hành của FPT Global Automotive khi vừa tốt nghiệp các trường đại học khác nhau. Những kiến thức, khái niệm về ngành sản xuất ô tô, nhất là công nghệ về chiếc xe tự hành với các thành viên trong đội còn mới tinh.
Chẳng hạn, trước khi làm công nghệ xe tự hành, Linh có thời gian gắn bó với các dự án về internet vạn vật (IoT) và không hình dung được cấu tạo của một chiếc xe ô tô tự vận hành.... Phần lớn thời gian đầu là tìm tòi thông tin, nghiên cứu từng vấn đề kết hợp thử nghiệm, tham khảo ý kiến, chỉ dẫn từ những người đi trước có kinh nghiệm.
"Ngày đầu làm không biết hướng đi, giống như làm mò cũng cảm thấy có lúc nản, nhưng mọi người động viên nhau tìm hiểu, thảo luận mổ sẻ các vấn đề tìm giải pháp. Chính niềm tin và sự nỗ lực học hỏi, tinh thần làm việc không biết mệt mỏi đã giúp cả nhóm vượt khó khăn, đạt được các kết quả trong nghiên cứu", Linh chia sẻ.
Đức Linh cho rằng thành công đến từ sự nỗ lực học hỏi và tinh thần làm việc không mệt mỏi |
Qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, Linh và nhóm phát triển phần mềm xe tự hành đạt được kết quả bước đầu: Tốc độ xử lý ảnh chậm và xe...không chạy nổi. Tiếp đó, tháng 4/2017 clip mô hình xe tự lái ra mắt "chạy rất tệ, bị cộng đồng mạng ném đá quá trời". Không nản, cả nhóm tiếp tục lao vào mổ sẻ nguyên nhân và giải quyết.
"Sau nhiều lần thử nghiệm đi thử nghiệm lại rồi tìm hiểu nguyên nhân và làm lại, đến nay tiếp cận được các thuật toán mới và dùng deep learning thay cho computer vision, xe tự lái của đội đã vận hành ổn định, mượt như có người điều khiển vậy", Linh nói.
Hăm hở với kết quả chạy thử nghiệm trên xe mô hình bao nhiêu, Linh và cả nhóm lại đau đầu bấy nhiêu khi thực nghiệm trên xe ô tô thật, khác xa một trời một vực. Một phần cả nhóm đều lạ lẫm và tốn nhiều thời gian nhất với lĩnh vực cơ khí, điện của xe ô tô.
"Từ xe mô hình lên xe thật như xe Kia soul động cơ xăng thì cơ khí, mạch điều khiển được nhà sản xuất thiết kế kín, không có tài liệu, mình muốn can thiệp vào hệ thống của nó rất khó. Trong quá trình làm, bọn em cố gắng đưa tín hiệu điều khiển của mình vào hệ thống trợ lái của xe dẫn đến bị cháy luôn bộ phận trợ lái, xe phải đưa vào hãng sửa chữa suốt hai tuần", Linh cho hay.
Bên cạnh việc tìm tòi, nghiên cứu, các thành viên trong đội Linh còn bổ sung công nghệ xe tự lái của những hãng nổi tiếng dùng trên sản phẩm của nhóm. Bài học lớn nhất có được khi tham gia dự án này là học được nhiều công nghệ mới, từ một người không biết gì về deep learning giờ đã tự tin về nó. Linh cho rằng mình đã cứng hơn hồi mới ra trường, tự tin hơn rất nhiều. FPT đã tạo điều kiện để những người trẻ như cậu có cơ hội thử sức công việc mới. Linh hi vọng một ngày nào đó có thể cho xe tự lái đi từ TP Hồ Chí Minh ra Thủ đô Hà Nội.
(Theo Tiền phong)